Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống

07:59, 16/08/2024

Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hóa riêng được bảo tồn và phát huy, tiêu biểu như nét đẹp trang phục truyền thống.

Nỗ lực sưu tầm

Từ đầu năm 2020, Bảo tàng Đắk Lắk (Bảo tàng) triển khai thực hiện sưu tầm trang phục truyền thống của các dân tộc, đến nay đã sưu tầm và lưu giữ được trang phục của 48/49 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Song song với sưu tầm là việc trưng bày chuyên đề, triển lãm. Bảo tàng đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk” vào năm 2023; lồng ghép giới thiệu trang phục các dân tộc Đắk Lắk trong các trưng bày chuyên đề tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Phú Yên, Vũng Tàu, An Giang, Cà Mau…; mới đây nhất là giới thiệu tại chương trình Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện M’Drắk và thị xã Buôn Hồ.

Đồng bào các dân tộc trong trang phục truyền thống tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện M’Drắk.

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn cho ra mắt ấn phẩm “Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk”. Ấn phẩm được biên soạn trên cơ sở tư liệu, hiện vật của Bảo tàng, số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cùng các nguồn tư liệu khác, gồm 8 phần chính: Trang phục truyền thống nhóm ngôn ngữ Nam Đảo, Trang phục truyền thống nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, Trang phục các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Trang phục truyền thống nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, Trang phục truyền thống nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, Trang phục truyền thống nhóm ngôn ngữ Hán, Trang phục truyền thống nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến.

Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho hay, đơn vị đã tặng ấn phẩm cho các phòng văn hóa – thông tin, trung tâm truyền thông – văn hóa – thể thao ở cơ sở… nhằm tuyên truyền, tôn vinh và giới thiệu đến độc giả các giá trị văn hóa trong trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh; đồng thời, khơi dậy lòng tự hào về di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là với thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Một số trang phục truyền thống được giới thiệu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thị xã Buôn Hồ. 

Ông Vũ Đức Nam, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông – Văn hóa – Thể thao thị xã Buôn Hồ cho hay, những ấn phẩm này sẽ phân bổ về Thư viện thị xã và trưng bày tại Nhà trưng bày buôn Kali A (phường Đạt Hiếu), qua đó góp phần vào công tác bảo tồn văn hóa nói chung và trang phục các dân tộc nói riêng trên địa bàn thị xã.

Trang phục truyền thống trong đời sống hiện đại

Thông qua các dự án, chương trình, trang phục truyền thống các dân tộc không chỉ được lưu giữ mà còn tiếp tục phát huy giá trị trong đời sống hiện đại. Đơn cử như tại dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch" (gọi tắt là Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, từ nguồn kinh phí Dự án 6, Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian về dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê (CLB) tại buôn Drai Hling (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã được thành lập và tổ chức truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống Êđê cho các thành viên. CLB được hỗ trợ trang thiết bị hoạt động như: máy may, máy vắt sổ, bộ khung dệt và một số dụng cụ kéo chỉ, tạo sợi truyền thống của người Êđê.

Bà H'Nga Byă, Chủ nhiệm CLB thông tin, sau gần một năm thành lập, CLB duy trì sinh hoạt đều đặn, các thành viên không chỉ nâng cao kỹ năng dệt mà còn có thu nhập qua việc sản xuất ra các sản phẩm từ thổ cẩm như túi xách, chăn, trang phục truyền thống.

Ngành văn hóa các địa phương cũng định kỳ tổ chức liên hoan, lễ hội, hội diễn nghệ thuật quần chúng, trong đó có nội dung thi biểu diễn trang phục dân tộc. Đây là cơ hội để mỗi người được chưng diện trang phục của dân tộc mình, tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu, vừa tôn vinh nét đẹp văn hóa các dân tộc, vừa quảng bá thu hút khách du lịch đến tham quan, giao lưu văn hóa truyền thống tại các địa phương.

Người Mường ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) với trang phục truyền thống khi trình diễn.

Chị Lý Thị Nga, một người con của dân tộc Dao (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) kể: “Vừa qua, tại gia đình tôi đã tổ chức lễ cấp sắc. Là một lễ quan trọng, gia đình chuẩn bị rất kỹ, trong đó có phần trang phục. Không chỉ các thành viên gia đình mà những người dân trong thôn cũng diện trang phục truyền thống, phù hợp với vai trò của mình trong buổi lễ, mang đến cảm giác ấm áp, tự hào và toát lên vẻ đẹp của dân tộc Dao”.

Thông qua rất nhiều hoạt động, trang phục truyền thống các dân tộc đang dần “hồi sinh”, gần với đời sống hiện nay. Cùng với các cấp chính quyền địa phương, bản thân mỗi người dân cũng tự nêu cao ý thức, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng, từ đó có những đóng góp thiết thực trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.