Multimedia Đọc Báo in

Nêu cao vai trò chủ nhân Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

08:17, 28/08/2024

Sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ với vai trò chủ nhân của Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (KGVHCCTN) là yếu tố tiên quyết để gìn giữ, lan tỏa giá trị, nét đẹp vốn văn hóa quý giá này.

Làm sao để phát huy vai trò đó là điều mà cơ quan chức năng cũng như người dân luôn quan tâm.

* Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa,   Thể thao và Du lịch:  Vốn quý văn hóa cần được chủ nhân thực sự yêu quý, gìn giữ và phát triển

Từ năm 2005 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 5 nghị quyết về bảo tồn và phát huy di sản KGVHCCTN trên địa bàn tỉnh. Về mặt tổng thể, các nghị quyết đã tạo ra hành lang pháp lý, tạo động lực, cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng nghị quyết, kế hoạch riêng để triển khai thực hiện; đó không chỉ đơn giản là cấp chiêng, cấp trang phục, phục dựng nghi thức, nghi lễ và các hoạt động văn hóa dân gian liên quan mà còn chuyển biến cả về mặt nhận thức.

Mục tiêu cuối cùng, không phải là việc cấp được bao nhiêu bộ chiêng, bao nhiêu bộ trang phục, mà ngành văn hóa mong muốn các chủ thể của văn hóa là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, chủ thể của văn hóa cồng chiêng thật sự cảm nhận rằng vốn quý văn hóa mà họ đang sở hữu, hơn ai hết chính bản thân họ phải yêu quý, phải giữ gìn, phải phát triển nó. Khi một cộng đồng DTTS ở địa phương một buôn, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa và cộng đồng ở đó sử dụng cồng chiêng để tái hiện những nghi thức, nghi lễ của chính họ, thì có nghĩa rằng cồng chiêng không thể thiếu được trong đời sống, khi đó công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng mới đạt kết quả cao nhất.

* Ông Y Hiu Niê Kđăm, nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng ở TP. Buôn Ma Thuột: Tạo môi trường thực hành văn hóa cho lớp trẻ

Việc mở lớp truyền dạy múa xoang, đánh chiêng nói riêng và các nhạc cụ dân tộc nói chung cho trẻ em vùng DTTS là rất cần thiết. Qua 20 năm tham gia truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở các buôn làng, tôi rất vui khi thấy các em có sự say mê và chịu khó luyện tập, bà con buôn làng thấy được tầm quan trọng của việc gìn giữ KGVHCCTN - niềm tự hào, bản sắc của dân tộc mình; nhiều buôn đã phục hồi, phục dựng lại những nghi thức, nghi lễ truyền thống... Dịp hè vừa qua, tôi dạy cho 4 lớp ở các buôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, thời lượng mỗi lớp chỉ khoảng 30 buổi vừa học lý thuyết, vừa thực hành, nhưng đem lại kết quả đáng khích lệ khi các em đã có hiểu biết về KGVHCCTN, biết diễn tấu các bài chiêng cơ bản. Để đạt kết quả đó không chỉ cần sự cố gắng, đam mê của cả người dạy và người học, mà còn có sự hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền sở tại.

Hiện nay, không gian trình diễn văn hóa cồng chiêng, các môi trường diễn tấu, tập luyện cho các bạn trẻ còn ít, vì vậy rất mong ngành chức năng thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ nhằm tạo môi trường và không gian để các em cũng như người dân có cơ hội thực hành, nâng cao kiến thức về vốn quý văn hóa của dân tộc mình…

* Ông K’lê Xuân Niê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng buôn Ky (phường Thành Nhất,   TP. Buôn Ma Thuột): Mở rộng sân chơi cho những người yêu văn hóa cồng chiêng

Sinh hoạt câu lạc bộ gắn với truyền dạy, thực hành văn hóa truyền thống là hoạt động bổ ích thu hút thành viên tham gia, qua đó có thêm những thành viên nhí biểu diễn được nhiều loại nhạc cụ.

Ban đầu sinh hoạt câu lạc bộ chỉ bó hẹp trong phạm vi bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhưng qua từng năm đã mở rộng mục tiêu hướng đến phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng bằng việc tham gia giao lưu văn hóa, biểu diễn phục vụ ở nhiều chương trình, mới đây nhất là chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng TP. Buôn Ma Thuột diễn ra ở Quảng trường 10/3.

Mỗi khi chuẩn bị tham gia giao lưu, biểu diễn, các thành viên đều rất phấn khởi, đội chiêng hăng hái tập luyện nhằm mang đến chương trình những tiết mục đặc sắc, được khán giả yêu thích, ủng hộ. Hy vọng sẽ có nhiều sân chơi hơn nữa để những câu lạc bộ, những người yêu văn hóa dân tộc, yêu cồng chiêng có nơi để giao lưu, học hỏi…

Mai Sao (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc