Multimedia Đọc Báo in

Sáng tạo giá trị mới cho văn hóa cồng chiêng

08:17, 28/08/2024

Trong quá trình triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng” trên địa bàn tỉnh, việc truyền dạy kiến thức, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho lớp trẻ được đặc biệt chú trọng.

Những "hạt nhân" ở buôn làng

Theo thống kê của Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL), trong số 579 buôn làng người Êđê, M’nông, J'rai, Xê đăng trên toàn tỉnh hiện có gần 400 đội chiêng trẻ được các nghệ nhân lớn tuổi truyền thụ.

Qua nhìn nhận của các nghệ nhân đã trực tiếp truyền dạy, đồng thời truyền cảm hứng cồng chiêng cho lớp trẻ (như cụ Ama H’Loan, Ama Kim, Y Suen Niê, Y Míp Ayun và Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân) thì bắt đầu từ khi đề án nói trên được triển khai đã lần lượt xuất hiện ngày càng nhiều gương mặt trẻ, đóng vai trò “hạt nhân” tại các buôn làng, góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn Đắk Lắk một cách hiệu quả và bền vững.

Ví như Y Thu Êban (buôn Bông, xã Cư Êbur); Y Típ Byă (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi); Y Bun Kbuôr (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột); Y Yáp Mlô (buôn Tring 2, thị xã Buôn Hồ) hay Y Sar Adrơng (buôn T’ria, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar)… không những được coi là linh hồn của đội chiêng trẻ trong mỗi cộng đồng, mà còn là thủ lĩnh của các nhóm chuyên trình diễn văn hóa cồng chiêng trong các sự kiện/hoạt động quan trọng diễn ra trong và ngoài tỉnh, cũng như phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm vốn di sản của ông cha mình để lại.  

Nghệ nhân truyền dạy cho đội chiêng nữ buôn Kbuôr, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Gia

Có thể nói thành quả gặt hái được từ nỗ lực ấy là hết sức đáng ghi nhận, bởi qua khảo sát, đánh giá mới đây của ngành văn hóa 15 huyện, thị xã và thành phố thì hầu hết các đội chiêng trẻ đã nắm bắt, trình diễn khá nhuần nhuyễn nhiều điệu chiêng/bài chiêng (cổ cũng như mới) được cha ông họ sáng tạo và truyền thừa từ trước đến nay. Không ít đội chiêng trẻ tiêu biểu ở các huyện Cư M’gar, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Năng, Krông Bông, Krông Pắc, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột… đã gặt hái thành công tại các kỳ liên hoan, hội diễn và giao lưu văn hóa cồng chiêng các cấp được tổ chức thường niên, hoặc định kỳ trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hoạt động trình diễn cồng chiêng thông qua các sự kiện ấy đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và xã hội.

Hòa nhập với đời sống đương đại

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kđăm, từ những đội chiêng trẻ được đào tạo bài bản, các em đã không ngừng sáng tạo thêm những âm điệu, tiết tấu mới lạ và hiện đại thông qua các hoạt động trình diễn vốn di sản ấy để nhịp chiêng/bài chiêng có sức sống mới và dễ dàng hòa nhập với đời sống đương đại. 

Một đội chiêng trẻ xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn tại Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng “Đắk Lắk - Âm vang đại ngàn” được tổ chức định kỳ hằng tháng tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ảnh: Mai Sao

Các em chơi cồng chiêng (cũng như nhiều loại nhạc trụ tre, nứa truyền thống nói chung) hết sức độc đáo và khác lạ so với ông cha của họ ngày xưa. Cồng chiêng, dưới bàn tay và sự sáng tạo của lớp trẻ bây giờ đã trở nên gần gũi, sống động hơn.

 

Những đội chiêng trẻ không những lần lượt nắm giữ, kế thừa vốn di sản quý báu của ông cha để lại, mà còn phát huy giá trị văn hóa ấy như lợi thế nhằm phục vụ đời sống trong xu thế hội nhập ngày nay. Từ đó có thêm động lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng một cách tiên tiến, hài hòa và bền vững hơn” - Nghệ nhân Ưu tú Ama H’ Loan.

 
 

Nhịp điệu, tiết tấu, thang âm của vốn âm nhạc truyền thống ấy không còn bó buộc theo phiên chế, nguyên tắc diễn tấu như ngày xưa, mà đã vượt ra mọi khuôn khổ, quy ước để diễn tả và chuyên chở cảm xúc mới mẽ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc phong phú, đa dạng cho đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Tại TP. Buôn Ma Thuột, có thể kể đến những đội diễn tấu cồng chiêng trẻ ở buôn Kmrơng Prông A, Kmrơng Prông B (xã Ea Tu), buôn Ea Bông (xã Cư Êbur), buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), buôn Kô Siêr (phường Tân Lập), buôn Ky (phường Thành Nhất), buôn Alê A (phường Ea Tam)… đã mạnh dạn tiên phong trong việc kế thừa và sáng tạo nên những giá trị mới cho cồng chiêng trước xu thế hội nhập kinh tế, văn hóa hiện nay.

Trong kỳ Liên hoan các đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ I - 2023 đã cho thấy tín hiệu đáng khích lệ nói trên. Nghệ nhân Ưu tú Ama H’ Loan, thành viên Ban giám khảo nhìn nhận: Hầu hết 14 đội chiêng trẻ tham gia đều đã biết kết hợp diễn tấu âm nhạc cồng chiêng với một số loại nhạc cụ tre nứa độc đáo khác (đing pơng, đing tút, đing năm, sáo vỗ) hết sức bài bản, để lại ấn tượng trong lòng khán giả.

Một dàn chiêng knah, chinh kram, trống và số nhạc cụ nói trên, nhiều đội chiêng trẻ đã khiến mọi người kinh ngạc và thích thú khi được thưởng thức những tiết tấu, làn điệu mới rất hiện đại ngân lên lạ lẫm trong không gian nghệ thuật giàu tính cộng đồng và đầy bản sắc.

Theo Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025” thì việc truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ sẽ được các cấp, ngành tiếp tục quan tâm bằng nhiều nguồn lực và cách làm đa dạng, phong phú để phấn đấu mỗi buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ có ít nhất một đội chiêng trẻ hoạt động thường xuyên, có sức lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống ngày nay. Đây là cơ sở vững chắc để thực hiện hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung trong những năm tiếp theo.

               Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.