Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số: “Đánh thức” giá trị truyền thống (Kỳ 1)
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".
Để bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số | |
Bảo tồn văn hóa dân gian trong lòng đô thị | |
Bảo tồn văn hóa bằng... cha truyền con nối |
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Qua đó, các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc anh em được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát huy.
Kỳ 1: Bức tranh văn hóa đa sắc màu
Đắk Lắk là nơi hội tụ 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú, từ văn hóa các dân tộc đến văn hóa vùng miền. Với việc nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dần được khôi phục, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương.
Thống nhất trong đa dạng
Là một tỉnh được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, Đắk Lắk là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa Trường Sơn – Tây Nguyên như Êđê, M’nông, Gia Rai, Xê Đăng, Ba Na... còn có sự hiện diện của dân tộc các tỉnh phía Bắc di cư vào như Mường, Tày, Nùng, Dao, H’mông...
Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa truyền thống riêng biệt giữa đa sắc màu văn hóa của 49 dân tộc; trong đó văn hóa các dân tộc bản địa lâu đời được đánh giá là một trong những viên ngọc sáng của nền văn hóa Việt Nam. Đắk Lắk có ba dòng văn hóa giàu bản sắc, mang đủ sắc thái ba miền Bắc - Trung – Nam, gồm: Văn hóa các dân tộc bản địa Trường Sơn – Tây Nguyên, văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và văn hóa dân tộc Kinh (người Việt). Cả ba dòng văn hóa này tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam hiện đang có mặt và ngày càng phát triển, giao thoa, đan xen, bồi đắp cho nhau, tạo thành nền văn hóa Đắk Lắk thống nhất trong đa dạng. Sự đa dạng các dân tộc cũng tạo nên văn hóa cộng đồng hội tụ từ văn hóa nhà dài (Êđê, M'nông) với văn hóa nhà rông (Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng) cùng nền văn hóa nhà sàn của các DTTS phía Bắc và văn hóa đình làng của người Việt.
|
Bên cạnh đó, nền văn hóa cồng chiêng khá độc đáo của các DTTS; đó là sự hội nhập của dàn chiêng K'nah (Êđê), Goong la, Goong pế (M'nông), Arap (Xơ Đăng, Gia Rai) và các dàn chiêng của đồng bào Vân Kiều, Mường, Thái rộn rã trầm hùng, ngân vang, tạo thành một bản hợp xướng giàu âm điệu của núi rừng Tây Nguyên. Đặc biệt, ở Đắk Lắk cồng chiêng của các dân tộc bản địa đã được thiêng hóa; nó là công cụ duy nhất để con người thông tin với các vị thần linh trong trời đất, là âm nhạc không thể thiếu được trong đời sống cộng đồng, sinh hoạt văn hóa, nghi lễ và lễ hội của các buôn làng.
Ngoài ra, âm nhạc của các DTTS Đắk Lắk rất phong phú, đa dạng, giàu bản sắc với hàng trăm làn điệu dân ca (lời nói vần) và trên 100 loại nhạc cụ khác nhau; mỗi loại nhạc cụ đều có những nét độc đáo, hấp dẫn riêng. Đó còn là những lễ hội vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng của mỗi dân tộc như lễ cúng cầu mưa, ăn cơm mới, cúng bến nước, đặt tên, thổi tai, cúng sức khỏe, kết nghĩa anh em... của đồng bào DTTS tại chỗ; lễ hội mùa xuân của các DTTS phía Bắc... Tất cả mang trong mình sức sống và ước mơ lý tưởng nhằm cầu mong cho mỗi gia đình và cả cộng đồng ngày càng phát triển phồn thịnh.
Phụ nữ M'nông (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. |
Không chỉ thế, bức tranh đa sắc màu văn hóa của các DTTS trên địa bàn tỉnh còn thể hiện qua nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, thủ công, mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán... Trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau, chúng được hoàn thiện hơn, vừa có cái nét riêng của từng dân tộc vừa có cái chung của cả cộng đồng, tạo cho vùng đất Đắk Lắk có một nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc.
Tìm về bản sắc văn hóa dân tộc
Tỉnh Đắk Lắk có 4 di sản phi vật thể đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Khan (sử thi) của người Êđê; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M'nông; Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Êđê và di sản Mo Mường của người Mường. |
Những năm gần đây, khi những mưu sinh vất vả qua đi, cuộc sống khá lên, đói nghèo và cơm áo không còn là nỗi lo thường trực, thì đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh lại có nhu cầu tìm về cội nguồn văn hóa của mình. Đây là điều đáng mừng, khi mà bà con không chỉ tự chủ được đời sống vật chất mà còn cháy bỏng với khao khát tìm lại món ăn tinh thần, nét văn hóa truyền thống của dân tộc giữa dòng chảy hiện đại.
Về xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) những năm gần đây ai cũng cảm nhận được sự đổi thay trong đời sống từ vật chất đến tinh thần của đồng bào Tày, Nùng trên vùng đất này. Theo ông Nông Văn Dũng, Phó Chủ tịch xã Ea Siên, từ những năm 1988 - 1989 đồng bào Nùng, Tày từ phía Bắc (chủ yếu ở Cao Lộc, Lạng Sơn) vào Ea Siên lập nghiệp. Rời xa quê hương, sau thời gian đầu vì cuộc sống khó khăn phải vất vả mưu sinh thì hơn 10 năm trở lại đây, người dân đã dần khôi phục, tìm về những nét văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc mình. Ở Cao Lộc có lễ hoặc hội gì thì ở Ea Siên cũng có lễ, hội đó. Đơn cử như Tết Thanh minh, rằm tháng 7, mừng lúa mới...; đặc biệt là Lễ hội Hảng Pồ cũng được duy trì và tổ chức vào ngày 28 tháng Giêng hằng năm với mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, thôn xóm yên vui; gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc.
Di cư đến vùng đất mới, người Tày, Nùng vẫn giữ gìn nếp nhà sàn, trang phục, món ăn truyền thống của dân tộc mình. Nơi xa quê, sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, những người lớn tuổi lại tề tựu bên nhau nhâm nhi ly rượu men lá và dập dìu câu hát lượn, hát sli; lớp trẻ thì say sưa trong tiếng sáo trúc vang vọng khắp bản làng cho thỏa nỗi nhớ người thân, quê nhà.
Những ngôi nhà sàn ở buôn M'Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) còn được lưu giữ nhìn từ trên cao. |
Buôn M’liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) là một trong những buôn cổ hiếm hoi của đồng bào M’nông R’lăm còn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của đồng bào bản địa Tây Nguyên. Nơi đây, người dân vẫn còn lưu truyền những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình từ cồng chiêng, ché, ghế kpan, nhà sàn đến nghề dệt thổ cẩm, đan lát, chài lưới... Đó còn là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cành lá sum suê vừa tạo không khí mát mẻ, trong lành vừa thể hiện được lối sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên của đồng bào M’nông nơi đây.
Một đội chiêng trẻ xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia biểu diễn cồng chiêng trong một ngày hội. |
Giữa cuộc sống nhộn nhịp, với những lối kiến trúc hiện đại, đa văn hóa, thế nhưng không gian, đời sống của người dân trong buôn M’liêng vẫn giữ nét thanh bình, cổ kính. Ông Y Poan B’Krông, Bí thư chi bộ buôn chia sẻ: “Những năm qua, bà con trong buôn M’liêng rất tích cực bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, buôn vẫn còn lưu giữ được hơn 24 bộ chiêng, 30 bộ ché cổ, 5 người biết dệt thổ cẩm, 10 nhà sàn dài dựng bằng gỗ và nhiều nhà sàn dài xây bằng gạch. Đặc biệt, buôn M’liêng cũng thành lập và thường xuyên duy trì hoạt động của 1 đội chiêng, 1 đội múa...”
(còn nữa)
Kỳ 2: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
Thúy Hồng - Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc