Kiến trúc Êđê trong ảnh của nhiếp ảnh gia John Dominis
Gần đây, kho tàng di sản ảnh về Tây Nguyên lần lượt được công bố, giới thiệu ở các bảo tàng, các cuộc triển lãm, xuất bản sách, trên các trang mạng xã hội và các trang website của các nhà sưu tập tư nhân hay tổ chức trong và ngoài nước; trong đó, có nhiều bộ ảnh, bức ảnh quý hiếm, giá trị về nhiều chủ đề khác nhau.
Đáng chú ý là những bộ ảnh, bức ảnh chụp về kiến trúc nhà dài dân tộc Êđê của nhà nhiếp ảnh John Dominis.
Cây đa, voi và những ngôi nhà sàn nhỏ xinh. Ảnh: John Dominis |
Bộ sưu tập ảnh màu và đen trắng về kiến trúc Êđê do phóng viên John Dominis của tạp chí LIFE chụp tại Buôn Ma Thuột năm 1957 thực sự là những tư liệu quý hiếm về kiến trúc nói riêng và văn hóa Tây Nguyên nói chung.
Tác giả đã khắc họa rất sinh động, đặc sắc về nhà ở của dân tộc Êđê trong bộ ảnh “để đời” về Hội chợ kinh tế Buôn Ma Thuột năm 1957. Trong gần 100 bức ảnh tư liệu chụp tại sự kiện này, John Dominis đã đến các vùng ven Buôn Ma Thuột ghi vào ống kính của mình hàng chục bức ảnh về cảnh quang, cuộc sống của buôn làng Êđê.
Như nhà dân tộc học đi điền dã, John đã khảo tả bức tranh chân thực về cuộc sống đời thường của người Êđê với những nếp nhà dài “hơn hơi ngựa phi”, dài “hơn một tiếng chiêng” từng được nhắc đến trong sử thi (khan) Đam San. Qua ảnh, có thể thấy rõ, thời bấy giờ, cảnh quan các buôn làng chưa thay đổi, nhất là lối kiến trúc truyền thống.
Nhà dài với mái tranh cũ, cầu thang một cột, cửa làm bằng tre. Ảnh: John Dominis |
Những bức ảnh của John Dominis không chỉ lưu lại nét đẹp kiến trúc Êđê mà còn hiển hiện dấu nét xưa của buôn làng. Tiêu biểu như bức ảnh chụp mặt tiền của ngôi nhà sàn với mái tranh đã cũ, hư hỏng vài chỗ do chống chọi với nắng mưa qua thời gian dài, cái cầu thang một cột đơn sơ, cửa làm bằng tre…
Ấn tượng nhất là bức ảnh chụp mặt trước của ngôi nhà sàn có những chi tiết kiến trúc đẹp, bề thế, có thể là nhà ở của một khoa sang (chủ làng) giàu có. Có thể nói, phải là tay máy lão luyện, tài tình mới có một bố cục ảnh “không thừa, không thiếu” nhằm khắc họa nét đặc sắc của kiến trúc nhà dài Êđê.
Nổi bật ở tiền cảnh là chiếc cầu thang làm bằng gỗ nguyên khối, to bản, có 2 núm vú, biểu tượng phồn thực, đại diện cho chế độ mẫu hệ của người Êđê. Trung cảnh và hậu cảnh thấy những chi tiết kiến trúc với cột chính hai bên, xà ngang, xà dọc, sàn nhà được làm bằng những cây gỗ to, mái tranh dày, còn rất mới phủ xuống trông rất ấm cúng.
Trong bức ảnh này cũng lột tả được cuộc sống đời thường của đồng bào với người phụ nữ đang dệt thổ cẩm, phía sau là một nia bông đầy đang phơi nắng, đó là cách bảo quản bông vải thường thấy ngày xưa của đồng bào để làm nguyên liệu kéo sợi, duy trì nghề dệt truyền thống. Người thợ dệt ngồi trước sàn nhà, một đầu khung dệt được buộc vào cây cột, một đầu buộc vào một miếng gỗ dẹt, cong ôm vào lưng để giữ căng khung dệt. Công cụ này vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Cũng trong bức ảnh này hiện rõ hai cối gỗ cỡ lớn, dụng cụ giã lúa của từng gia đình. Mỗi sớm mai, trước khi đi làm rẫy, phụ nữ thường lấy lúa ra giã, nhịp chày rộn rịp khúc nhạc quen thuộc của buôn làng.
Cầu thang nhà dài của đồng bào Êđê. Ảnh: John Dominis |
Bức ảnh khác chụp những ngôi nhà sàn dài, nằm song song, bố trí không cách xa nhau, thể hiện tập quán cư trú mật tập, có tính cộng đồng cao của người Êđê ngày xưa. Phía sau là cánh rừng ôm sát vào tận làng như một minh chứng cho thấy cuộc sống gắn bó, hòa quyện với thiên nhiên, đại ngàn. Bức ảnh khác tựa như bức tranh miêu tả quang cảnh của một buôn với những ngôi nhà sàn nhỏ xinh, gốc đa cổ thụ và những chú voi... Có thể thấy, đây là ngôi làng định cư, chủ yếu là những ngôi nhà sàn ngắn và mới thay cho những ngôi nhà dài.
Những ngôi nhà sàn dài, nằm song song, bố trí không cách xa nhau, phía sau có cánh rừng sát làng. Ảnh: John Dominis |
Ngày nay, ở buôn làng Êđê rất hiếm thấy những ngôi nhà như trong bộ ảnh của John Dominis. Những bức ảnh về kiến trúc này cho người xem cái nhìn đối sánh thú vị về “dấu xưa” và những biến đổi, khác lạ ở nhiều góc độ qua lớp bụi thời gian...
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc