Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Tây Nguyên

07:17, 24/03/2024

Khi nói về kiến trúc Pháp tại Tây Nguyên, mọi người thường nghĩ ngay đến Đà Lạt (Lâm Đồng) bởi những dấu ấn của nó ở đây quá lớn, với những công trình muôn hình muôn vẻ, hiện nay được xem là bảo tàng sống của kiến trúc Pháp tại Đông Dương.

Năm 1891, bác sĩ Alexandre Yersin đã bắt đầu có những cuộc thám hiểm lên mảnh đất Tây Nguyên. Năm 1893, ông tìm ra Cao nguyên Langbiang - một vùng đất lý tưởng để xây dựng một khu nghỉ dưỡng và phát triển một vùng đất nghiên cứu các giống thực vật. Vì vậy, ông đề xuất với Toàn quyền Paul Doumer xây dựng khu nghỉ dưỡng tại Cao nguyên Langbiang (Đà Lạt bây giờ). Năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer chính thức thị sát Cao nguyên Langbiang và chọn nơi này làm khu nghỉ mát. Tiếp sau đó là hàng loạt những dự án xây dựng về giao thông và những công trình hành chính cai quản tại cao nguyên này.

Biệt thự ở TP. Đà Lạt mang kiến trúc Pháp.

Năm 1916, triều đình nhà Nguyễn ở Huế thông qua dụ thành lập thành phố Đà Lạt và xác định địa giới hành chính về mặt pháp lý. Người Pháp tiến hành cho quy hoạch đô thị Đà Lạt thành khu nghỉ dưỡng, với nhiều đồ án quy hoạch được xây dựng. Cụ thể, Đồ án quy hoạch đầu tiên năm 1916 của thị trưởng Champourdy; Đồ án quy hoạch năm 1919 của O’Neill; Đồ án quy hoạch thành phố cảnh quan của Hébrard năm 1923; Đồ án quy hoạch Pineau năm 1933; Đồ án quy hoạch Mondet năm 1940. Trong đó, Đồ án quy hoạch năm 1943 của Lag’Squet được chỉnh sửa lại theo ý đồ của Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Decoux định hình nên thành phố Đà Lạt như ngày hôm nay.

Bắt đầu từ năm 1923, khi thực hiện Đồ án quy hoạch thành phố cảnh quan của kiến trúc sư (KTS) Hébrard thì Đà Lạt mang một sức sống mới. Từ khởi điểm vài chục căn nhà đơn sơ, đến năm 1930, Đà Lạt đã có đến 938 biệt thự và năm 1939 có 427 biệt thự sang trọng. Nhà thờ Chánh tòa xây năm 1931 hoàn thành năm 1942. Năm 1938, nhà ga Đà Lạt cũng hoàn thành. Trong đó, Trường Grand Lycée Yersin (Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hiện nay) khởi công xây dựng vào cuối năm 1927, được biết đến là công trình kiến trúc cổ điển độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Trường được phác họa đầu tiên bởi sáng kiến của KTS Hébrard nhưng lại được thiết kế và chỉ huy xây dựng một cách táo bạo và tài tình bởi KTS Moncet. Trường được đánh giá là tòa nhà sư phạm đẹp và hiện đại nhất lúc bấy giờ, được các nhà phê bình, các KTS, các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc quốc tế (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20.

Trường Grand Lycée Yersin (Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hiện nay).

Bên cạnh những công trình tiêu biểu và phần lớn ở Đà Lạt, người Pháp cũng để dấu ấn bằng các công trình kiến trúc trên khắp vùng Tây Nguyên, như những công trình quân sự, tôn giáo, trường học.

Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Đắk Lắk phải kể đến Di tích lịch sử quốc gia Biệt điện Bảo Đại hiện nay tại TP. Buôn Ma Thuột. Nơi đây trước năm 1905 là Nhà hàng Maison Lefévre. Đến năm 1914, khi Sabatier về làm công sứ tại Đắk Lắk đã chọn địa điểm này để xây dựng Tòa đại lý quận trưởng. Năm 1926, công sứ Giran đã cho cải tạo và xây dựng tòa nhà như hiện nay và được gọi là Tòa công sứ. Từ tháng 11/1947 đến khoảng tháng 5/1948, với danh nghĩa là Quốc trưởng, vua Bảo Đại đã đến đây ở và làm việc gần 8 tháng. Sau đó, vào những năm 1949 - 1954, hằng năm Bảo Đại thường tới đây vào dịp đầu mùa mưa để nghỉ ngơi và đi săn bắn, do đó ngôi nhà này còn có tên Biệt điện Bảo Đại. Di tích Biệt điện Bảo Đại không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử lớn mà còn là một công trình kiến trúc đẹp, bảo tồn được nhiều cây nguyên sinh, cây cổ thụ có tuổi thọ hơn một trăm năm.

Nhà ga Đà Lạt được xây dựng và hoàn thành năm 1938.

Trải qua gần 100 năm, kể từ năm 1858 đến năm 1954, những công trình mang dấu ấn của người Pháp từ thiết kế, xây dựng còn ảnh hưởng cho đến tận hôm nay. Trào lưu của kiến trúc tân cổ điển vẫn còn tồn tại mà các kiến trúc sư đã nghiên cứu và thiết kế cho phù hợp với thời đại, nhưng được thừa hưởng từ những giá trị kiến trúc của người Pháp để lại trên Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

KTS. Nguyễn Quốc Học


Ý kiến bạn đọc