Thế hệ mới trước những giá trị cũ
Năng động và sáng tạo để phát triển trong bất kỳ lĩnh vực nào đang là hướng đi tích cực trước đời sống hiện đại. Trong đó thế hệ trẻ được coi là đội quân tiên phong về nhận thức, ứng xử và vận dụng những giá trị tưởng chừng đã cũ để tạo ra sự chuyển biến xã hội đáng ghi nhận.
Có dịp gặp gỡ và chia sẻ với không ít gương mặt tiêu biểu cho đường hướng trên trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề: du lịch, thời trang, biểu diễn nghệ thuật…, tôi nhận ra rằng, vốn văn hóa truyền thống của các cộng đồng, dân tộc chưa bao giờ mất đi cả, nó đang được lớp con cháu kế thừa và làm mới để lan tỏa trong đời sống đương đại.
Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có thể kể đến một số điểm tiêu biểu như: Ngôi nhà Chóe Đại ngàn của anh Võ Minh Luân ở số 10 đường Hải Triều, Tâm An Viên của chị Nguyễn Thị Lý ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) và Bảo tàng Ama H’mai của anh Y Sơn ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu).
Đó là những địa chỉ được xem là điểm đến du lịch được nhiều người yêu thích vì những giá trị văn hóa cổ xưa của Tây Nguyên - từ chiêng, chóe, nhạc cụ truyền thống, vật dụng sinh hoạt cổ xưa cho đến những trầm tích hóa thạch - đã được chủ nhân của nó sáng tạo thêm để kể lại câu chuyện của quá khứ đến hiện tại và tương lai hết sức chân thực, sinh động. Nhiều người đến đây có cảm nhận rằng, mỗi một giá trị văn hóa được giới thiệu trong không gian ấy là những mảnh ghép thống nhất trong đa dạng, vẽ nên bức tranh toàn cảnh về vùng đất và con người Tây Nguyên trong dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thành Trung với chiếc áo dài truyền thống được cách điệu từ thổ cẩm Tây Nguyên. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Hay như thời trang thổ cẩm, thì anh Nguyễn Thành Trung ở số 30 đường Bùi Thị Xuân là đại diện cho sự kế thừa và sáng tạo trong lĩnh vực rất “hot” này.
Nhà thiết kế thời trang trẻ ấy đã khiến mọi người trầm trồ khen ngợi vì sự lạ lẫm của thổ cẩm được “xé” ra và biến tấu chúng theo sự quan sát, ý tưởng của mình qua tà áo dài truyền thống mà hiện đại.
Những mô típ hoa văn truyền thống, quen thuộc như đường song song, răng cưa, kỷ hà, hình học… được anh kết nối và cách điệu thành hình tượng chú voi ở mặt trước tà áo dài với những đường nét bay bổng, thanh thoát nhưng cũng hết sức đài các và sang trọng khi được người mặc phô diễn trong không gian đời thường cũng như trên sân khấu thời trang hiện đại.
Sản phẩm áo dài được thiết kế bằng chất liệu thổ cẩm của các tộc người ở Tây Nguyên được Trung mang đi giới thiệu, quảng bá tại nhiều sự kiện thời trang trong nước như “Việt Nam Heritage - Cội nguồn và hôm nay” năm 2019 tại thành phố Nha Trang, Festival Áo dài Việt Nam năm 2020 tại Quảng Ninh đã để lại nhiều ấn tượng, tình cảm với những người yêu thích thời trang.
Trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật cũng có nhiều biên đạo múa ở các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Tây Nguyên theo đuổi đường hướng sáng tạo trên.
Một số biên đạo múa trẻ ở Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk như: H’Diễm Mlô, Y Del Buôn Krông, Đoàn Ngọc Trang và Lê Loan… đã cất công tìm hiểu, khai thác chất liệu dân gian để dàn dựng những chương trình nghệ thuật múa hát hiện đại và giàu bản sắc, được giới chuyên môn đánh giá cao qua các kỳ hội diễn nghệ thuật trong tỉnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như toàn quốc.
Nữ biên đạo múa H’Diễm Mlô chia sẻ rằng, những tác phẩm gần đây của chị như: “Hồn chiêng”, “Dã quỳ Cao nguyên” được chị dày công nghiên cứu, tìm hiểu và cách điệu từ chất liệu xoang của người Êđê, M’nông, J'rai bản xứ - từ đó sắp đặt, phát triển “ngôn ngữ” múa giàu tính dân gian ấy trở thành những mảng, miếng nghệ thuật hiện đại nhằm góp phần lan tỏa đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.
Phải khẳng định rằng, không xa rời những giá trị truyền thống là nguyên tắc và cũng là tôn chỉ hoạt động của bất kỳ lĩnh vực nào. Có như thế vốn văn hóa giàu bản sắc của mỗi cộng đồng, dân tộc mới trường tồn và đủ sức hội nhập với thế giới ngày nay.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc