Multimedia Đọc Báo in

Lung linh sắc màu Triển lãm Mỹ thuật

08:35, 09/10/2024

Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ II năm 2024 (gọi tắt là Triển lãm) đã mang đến cho công chúng "bữa tiệc" phong phú về ý tưởng sáng tạo, lung linh sắc màu cuộc sống tươi đẹp.

100 tác phẩm thuộc các chuyên ngành: hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng... của 51 họa sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia triển lãm được Hội đồng nghệ thuật triển lãm đánh giá cao về nội dung lẫn hình thức. Tình yêu quê hương, đất nước, vẻ đẹp con người, văn hóa là nguồn cảm hứng để các tác giả thỏa sức sáng tạo với vô vàn thể loại và chất liệu như: sơn dầu, acrylic, lụa, sơn mài, bột màu, điêu khắc, sắt hàn, ghép vải, đồ họa in độc bản, đồ họa khắc gỗ, thủy mặc, in PP, in kỹ thuật số, màu nước, sáp dầu….

Nhiều tác giả mạnh dạn thể nghiệm tác phẩm theo cách khác lạ, như việc sử dụng chất liệu vải vụn để sáng tác tranh. Dù không phải là quá mới, song các tác phẩm này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng bởi sự độc lạ, hấp dẫn cũng như ý nghĩa của mỗi bức tranh.

Tác phẩm "Kơ-pan" của họa sĩ Nguyễn Hải Long.

Họa sĩ Đỗ My (thị xã Buôn Hồ) chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu, khám phá nhiều chất liệu để sáng tác và đặc biệt thích thú với chất liệu vải vụn, mong muốn những tác phẩm này sẽ mang đến cho mọi người năng lượng tích cực, tinh thần yêu môi trường…” .

Trong số 3 tác phẩm của họa sĩ Đỗ My tham dự Triển lãm, tác phẩm “Những chiếc lọ (01)” đã đoạt giải B. Nữ họa sĩ thông tin thêm, trong thời gian tới ngoài sáng tác tranh thì chị sẽ dùng chất liệu vải vụn này để sáng tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng trong cộng đồng như đồ trang trí, bình hoa, hoa, kẹp tóc hay những đôi bông tai xinh xắn...

Hình ảnh những ngôi nhà dài, ghế kpan, hay những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Êđê được nhiều nghệ sĩ cảm nhận và thể hiện dưới góc nhìn mới. Trong tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Hải Long, không gian nhà dài, ít ánh sáng hiện lên một cách tự nhiên, tạo cảm giác thân thuộc, gắn bó. Tác phẩm "Kơ-pan" của anh đã xuất sắc đoạt giải A tại Triển lãm.

Tác phẩm “Người đàn ông khắc khổ" của họa sĩ trẻ Y Thiơ Niê.

Bên cạnh những “mảng màu” quen thuộc phản ánh hiện thực cuộc sống sinh hoạt, những phong tục tập quán, nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên, có nhiều tác phẩm mang sắc màu hiện đại, thể hiện những suy nghĩ, trăn trở của người nghệ sĩ trước cuộc sống.

Đặc biệt, Triển lãm có sự xuất hiện những tác giả mới lần đầu tham gia, trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề cũng đã mang đến cho công chúng những góc nhìn mới mẻ về các sự vật, sự việc.

Em Phạm Văn Thành (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, huyện Ea Súp) đã tham gia Triển lãm với tác phẩm “Sum vầy”, vẽ đàn gà cùng mổ thức ăn, nét vẽ còn đơn sơ chưa có nhiều kỹ thuật, nhưng giàu cảm xúc.

Hay tác giả trẻ Y Thiơ Niê (buôn Pu, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) với tác phẩm “Người đàn ông khắc khổ” từ chất liệu sơn dầu đã lột tả hình ảnh về những người lao động là cha, là ông vất vả mưu sinh và tích tụ nét khắc khổ theo thời gian. Tác giả chia sẻ rằng, qua tác phẩm muốn gửi gắm thông điệp cho dù chúng ta được sinh ra ở đâu, hoàn cảnh như thế nào vẫn hãy luôn trân trọng biết ơn những gì cuộc sống đã mang lại…

Có thể nói, với sự đa dạng trong hình thức biểu đạt, phong phú về đề tài, mới mẻ về góc nhìn, Triển lãm đã tạo dấu ấn trong đời sống mỹ thuật, mang đến nguồn năng lượng tích cực cho công chúng và chính những người sáng tác nghệ thuật, góp phần làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ II, năm 2024 diễn ra từ 27/9 đến 4/10 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, trưng bày 100 tác phẩm mỹ thuật của 51 tác giả chuyên và không chuyên trên cả nước. Ban tổ chức Triển lãm đã trao 2 giải A, 3 giải B, 4 giải C và 5 giải Khuyến khích cho 14 tác phẩm xuất sắc nhất ở các thể loại và chất liệu.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Dấu ấn những di tích lịch sử
Đắk Lắk là vùng đất lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng với nhiều di tích lịch sử. Đây là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và bao thế hệ tìm về, để tìm hiểu về truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.