Năm cửa ô đón mừng...
“Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.
Ngày còn nhỏ, khi nghe ba mẹ hát “Tiến về Hà Nội” nói về những cánh quân từ khắp nơi kéo về Hà Nội trong ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954, dù chưa biết gì về âm nhạc, văn chương song thật kỳ lạ, ca từ và giai điệu của ca khúc để lại cho tôi cảm giác khó tả, cứ rung lên, dạt dào xúc động, hân hoan, hùng tráng mà vẫn trữ tình, duyên dáng.
Đến giờ đọc lại, tôi đã hiểu vì sao. Trong một không gian cụ thể của Hà Nội, có sự hoành tráng của: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/… Trùng trùng say trong câu hát/ Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời” lại thấm đẫm những tấm lòng với thủ đô, một thủ đô tươi đẹp kiêu kỳ: “Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh”. Để rồi, giấc mơ cho một Hà Nội bừng sáng vẻ đẹp tương lai, là trái tim hồng của cả nước: “Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương say ngày xa/ Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/ Những bông hoa ngày mai, đón tương lai vào tay/ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên”.
Ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao cũng có một số phận đặc biệt. Ca khúc này được sáng tác vào năm 1949, nghĩa là 5 năm trước khi Hà Nội được giải phóng. Nhạc sĩ Văn Cao từng kể lại rằng, vào cuối năm 1948, ông công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Lúc đó, một vị lãnh đạo văn nghệ đã tâm sự với ông rằng: Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công, nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm là mơ ước của người dân thủ đô. Chính từ lời vừa tâm sự vừa mệnh lệnh ấy mà mùa xuân năm 1949, ca khúc “Tiến về Hà Nội” ra đời.
Còn theo lời kể của họa sĩ Văn Thao, con trai của nhạc sĩ Văn Cao, năm 1949 là năm thực dân Pháp mở chiến dịch lớn, càn quét mạnh khu vực Hà Nam Ninh lên tận Hòa Bình. Lúc này, nhạc sĩ Văn Cao cùng nhiều nghệ sĩ khác phải di tản sang Thái Bình. Tại đây, vào đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng tiết mục biểu diễn ca khúc “Tiến về Hà Nội” phục vụ binh sĩ và nhân dân địa phương. Ca khúc nhanh chóng lan rộng, tạo niềm cảm hứng mạnh mẽ cho tất cả mọi người trong giai đoạn giữa của cuộc kháng chiến 9 năm thần thánh, gian khổ và vinh quang.
Dĩ nhiên, nhạc sĩ Văn Cao và công chúng yêu mến muốn ca khúc này được phổ biến và biểu diễn khắp nơi. Song, đây là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh. Có lẽ, do thấy nội dung hơi… lãng mạn cách mạng nên ca khúc “Tiến về Hà Nội” tạm thời ngưng biểu diễn.
Ngày giải phóng thủ đô Hà Nội 10/10/1954, khi ca khúc “Tiến về Hà Nội” chính thức vang lên trên mọi nẻo đường thủ đô ngập tràn cờ hoa thì nhạc sĩ Văn Cao lại không có mặt để chứng kiến. Lúc bấy giờ ông đang theo một phái đoàn văn nghệ sĩ sang thăm Liên Xô và Trung Quốc. Vậy là, cuối cùng “Tiến về Hà Nội” cũng đã theo chân các đoàn quân và đậu trên môi người dân thủ đô trong ngày trọng đại của lịch sử đất nước. Chỉ người viết ra nó, nhạc sĩ Văn Cao không tận mắt chứng kiến những phút giây huy hoàng mà đời người nghệ sĩ không mấy khi gặp.
75 năm kể từ khi ca khúc ra đời, 70 năm ngày ca khúc vang lên lần đầu tiên trên đường phố thủ đô, “Tiến về Hà Nội” vẫn là ca khúc gây men niềm xúc động thiêng liêng mỗi dịp trình diễn. Nhiều nhà phê bình âm nhạc đã nhận xét, trong giai đoạn này, nếu ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi là lời thề vong thân cho thủ đô yêu dấu ngày rời biệt thì “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao là khúc ca khải hoàn trong ngày chiến thắng về lại thủ đô. Cả hai đều xứng đáng là danh tác.
70 năm, rất xa, nhưng niềm hoan ca mãi là âm ba. Sẽ còn rất nhiều những nụ cười và nước mắt mỗi khi lời ca “Tiến về Hà Nội” được cất lên: “Khi đoàn quân tiến về, là đêm tan dần/ Như mùa xuân xuống cành, đường nghe gió về/ Hà Nội bừng tiến quân ca”.
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc