Multimedia Đọc Báo in

Nhớ nghề dệt chiếu buôn Diêo

05:49, 29/10/2024

Không ai tại buôn Diêo (xã Bông Krang, huyện Lắk) còn nhớ được nghề dệt chiếu cói từ đâu du nhập vào buôn làng, bà con trong buôn chỉ biết hàng chục năm nay ở nhiều góc nhà dài trong buôn vẫn hiện hữu những khung dệt chiếu.

Cũng như nhiều nghề thủ công truyền thống khác, nghề dệt chiếu cói ở buôn Diêo hình thành và tồn tại trong không gian nhà dài của đồng bào M’nông từ xa xưa.

Những lúc nhàn rỗi, hay vào mùa mưa, khi việc đồng ruộng, nương rẫy thư thả, các bà, các chị trong buôn lại giăng khung dệt chiếu.

Ban đầu, công việc này chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, nhưng khi số lượng làm ra nhiều hơn, họ bắt đầu bán cho những gia đình lân cận, rồi đến các buôn làng khác trong huyện.

Bà H'Sruông Jiê mân mê chiếc chiếu cói do bàn tay mình làm ra.

Thời hưng thịnh nhất của nghề dệt chiếu cói, buôn Diêo có khoảng 20 người biết dệt. Những năm gần đây khi nguồn nguyên liệu cói gần như vắng bóng ở các đầm lầy thì nghề dệt chiếu ở buôn Diêo cũng dần đi vào dĩ vãng.

Biết đến nghề dệt chiếu từ những người lớn tuổi trong buôn, năm nay đã bước sang tuổi 76, bà H’Sruông Jiê ở buôn Diêo vẫn dành một góc nhà của gia đình để làm nơi đặt khung cửi. Bà tâm sự, trước đây khi cây cói sinh sôi, phát triển mạnh, thường vào mùa khô, người dân trong buôn đi khắp các đầm lầy lấy cói về làm sạch, chẻ nhỏ, phơi khô vừa phải, rồi dự trữ, bảo quản ở nơi thoáng mát. Mùa mưa đến hoặc những lúc nhàn rỗi bắt đầu ráp khung dệt chiếu.

Theo bà H’Sruông Jiê, khác với các nơi làm chiếu ở khắp mọi miền đất nước, những người dệt chiếu ở buôn Diêo chỉ dệt một loại duy nhất là chiếu trơn (chiếu không nhuộm phẩm màu, sợi có màu trắng xanh tự nhiên và dùng loại sợi dài không chắp nối).

Để dệt được một chiếc chiếu cói theo phương pháp thủ công truyền thống cần có hai người, một người luồn cói, một người dập, quá trình dệt đòi hỏi cả hai người phải phối hợp nhịp nhàng, ăn ý mới cho ra những tấm chiếu không bị lỗi, không bị xù.

Hàng chục năm qua, bà không nhớ mình đã dệt được bao nhiêu tấm chiếu bán cho bà con trong buôn và các buôn làng lân cận, cứ hễ rảnh mà trong nhà sẵn sợi cói là bà lại dựng khung dệt.

Thế nhưng, 2 năm gần đây, vì không còn nguyên liệu nên khung dệt cũng được bà cất xếp vào một góc nhà. Mỗi lần nhớ nghề, nhớ khung dệt, bà lại đưa ra những tấm chiếu thành phẩm mà mình đã dành hết tâm huyết một thời để mân mê, ngắm nghía.

Những khung dệt chiếu được lưu giữ tại buôn Diêo (xã Bông Krang, huyện Lắk).

Là một trong những người trẻ biết đến nghề dệt chiếu của buôn Diêo, từ nhỏ em H’Chuyên Kmăn (SN 1990) đã biết phụ mẹ luồn sợi dệt chiếu. Hình ảnh những sợi cói mộc mạc và tiếng lách cách của khung dệt đã thấm sâu vào ký ức tuổi thơ của em. Lớn lên, ngoài những buổi đến trường, lên rẫy với mọi người trong gia đình, những lúc rỗi em lại cùng mẹ và những người lớn tuổi trong buôn se sợi, dệt chiếu.

H’Chuyên tiết lộ, sản phẩm chiếu cói buôn Diêo hoàn toàn được làm từ nguyên liệu sợi cói tự nhiên (cói tự mọc ở đầm lầy) và một loại sợi cây liêr được người dân lấy trong rừng tại địa phương – đây là loại sợi được sử dụng để liên kết các sợi cói lại với nhau trong quá trình dệt chiếu. Sợi liêr sau khi lấy về sẽ được bóc vỏ, ngâm dưới nước tầm một tuần đến 10 ngày rồi phơi khô, se sợi lại. Nhờ vậy, sản phẩm chiếu cói của bà con trong buôn dù đơn sơ, mộc mạc nhưng độ bền cao. Thời điểm cói dự trữ dồi dào trong nhà, có ngày gia đình em dệt được hai chiếc chiếu. Giờ đây nguyên liệu không còn nên khung dệt cũng tạm gác ở một góc riêng của nhà dài.

Nay đến buôn Diêo không còn được nghe tiếng dập khung lách cách, rộn ràng như trước nữa. Người biết đến nghề ngày một thưa dần, những khung cửi cũng nhuốm màu theo thời gian. Mong muốn duy trì một làng nghề gắn với làm du lịch, biến nơi đây trở thành điểm đến cho du khách muốn tìm hiểu về nghề dệt chiếu truyền thống của người M’nông chỉ còn trong tiềm thức của những người thợ dệt ở nơi đây.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc