Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui của buôn làng

08:28, 15/10/2024

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua, một số đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay xây dựng những ngôi nhà sàn, nhà cộng đồng khang trang, mang đến diện mạo mới cho các buôn làng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.

Ngôi nhà sàn tình nghĩa

Đến buôn Hra Ea Hning (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin), dễ thấy hình ảnh các bà, các mẹ đang miệt mài dệt vải trong căn nhà sàn gỗ truyền thống nằm trên khoảng sân trung tâm của buôn.

Đây là món quà ý nghĩa do Hội Từ tâm Đắk Lắk vận động quyên góp trao tặng Tổ hợp tác (THT) Dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning vào năm 2022. Nhà sàn có kinh phí xây dựng 300 triệu đồng, trong đó, một nửa kinh phí có được từ hoạt động gây quỹ tại đêm nhạc "Điều kỳ diệu từ trái tim" do Hội Từ tâm Đắk Lắk và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.

Các thành viên Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning bên căn nhà sàn được trao tặng.

Bà H’Neo Bdap, Tổ trưởng THT Dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning chia sẻ, hưởng ứng cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ”, với mong muốn phát triển nghề truyền thống, năm 2021, một số phụ nữ trong buôn đã tập hợp nhau lại thành lập THT dệt thổ cẩm.

Giai đoạn đầu không có địa điểm để dệt tập trung, các thành viên phải mượn nhờ chỗ của một ngôi nhà trong buôn làm nơi đặt khung dệt. Tuy vậy, cơ sở vật chất không bảo đảm, đặc biệt vào mùa mưa phải mang sản phẩm về nhà tự dệt, đôi lúc sản phẩm không được tổ trưởng kiểm  tra trực tiếp dẫn đến bị lỗi.

Do đó, ngôi nhà sàn được trao tặng là món quà vô cùng ý nghĩa, giúp các thành viên có điểm sản xuất vững chãi, an toàn, tăng năng suất, hiệu quả lao động. Các sản phẩm thổ cẩm nhờ đó cũng được bảo quản tốt hơn, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Với sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp, sản phẩm của THT được kết nối với một số đơn vị, nhà may trên địa bàn huyện, nhờ đó, hoạt động của THT dần ổn định hơn. THT có 6 thành viên, đa phần có hoàn cảnh khó khăn, đến nay, các thành viên có thu nhập bình quân đầu người từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Theo ông Y Dzhung Byă, Trưởng buôn Hra Ea Hning, ngôi nhà sàn tình nghĩa được trao tặng không chỉ là một món quà vật chất mà còn là biểu tượng của sự sẻ chia, tình đoàn kết và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân buôn làng, đồng thời góp phần bảo tồn nghề truyền thống, tạo sinh kế cho bà con.

Công trình đặc biệt của buôn làng

Nhà cộng đồng buôn Kđoh (xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) được xây dựng tại khu vực trung tâm buôn, có diện tích hơn 100 m2, thiết kế theo kiến trúc nhà dài Êđê, với tổng kinh phí 400 triệu đồng, do Tập đoàn TNG và Báo Tiền Phong phối hợp xây dựng (trong đó Tập đoàn TNG làm chủ đầu tư). Điểm nhấn độc đáo của nhà cộng đồng này chính là đôi cầu thang “quyền lực” đậm nét văn hóa của người Êđê.

Bà Ra Lan H’Tưởng, Trưởng buôn Kđoh cho biết, toàn buôn có trên 140 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu. Trước đây, buôn Kđoh đã có nhà cộng đồng nhưng diện tích khá nhỏ, không đủ chỗ ngồi cho bà con khi tổ chức các hoạt động tập thể. Bởi vậy, nhà cộng đồng được xây mới rộng rãi là công trình hết sức ý nghĩa, là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; tổ chức hoạt động tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân trong buôn.

Nổi bật có thể kể đến Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức trước thềm năm mới 2024 với sự tham gia của bà con nhân dân các buôn làng trên địa bàn xã Ea Tar. Qua đó, giúp cộng đồng các dân tộc ở khu dân cư có dịp gặp gỡ, cùng nhau chia sẻ, đánh giá những kết quả trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh trật tự. Đồng thời góp phần tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning với sản phẩm của Tổ hợp tác.

Ông Y Ngơn Hwing (SN 1973), người dân buôn Kđoh bày tỏ, người dân trong buôn rất biết ơn chính quyền và các đơn vị tài trợ đã hỗ trợ xây dựng công trình nhà cộng đồng vô cùng ý nghĩa. Ngôi nhà cộng đồng rộng rãi giúp bà con sinh hoạt thuận tiện hơn, hơn thế nữa giúp buôn làng trở nên rộn ràng với nhiều hoạt động, mọi người lại càng thêm đoàn kết, gắn bó, yêu thương. Người dân trong buôn sẽ chung tay gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của nhà cộng đồng.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.