Multimedia Đọc Báo in

Nối dài nhịp chiêng nơi miền biên

07:19, 02/10/2024

Trước nhịp sống hiện đại, ở thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp), thanh âm của cồng chiêng vẫn vang lên rộn rã trong các nghi lễ, lễ hội. Thế hệ trẻ nơi đây đang được các nghệ nhân trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Rộn rã tiếng chiêng nơi buôn làng

Gần một tháng nay, mỗi tối đến, các em nhỏ tại 5 buôn của thị trấn Ea Súp (gồm các buôn: A1, A2, B1, B2, C) lại í ới gọi nhau tập trung về Nhà Văn hóa cộng đồng buôn A1 học đánh chiêng. Dưới ánh điện, các nghệ nhân miệt mài chỉ dạy cho học viên, thanh âm cồng chiêng vang vọng khắp buôn làng. Một số người dân nghe tiếng chiêng cùng đến xem tập luyện. Tiếng trò chuyện, cười nói tạo nên một không khí hết sức rộn ràng, sôi nổi.

Lớp học có 25 học viên, hầu hết là trẻ em người J’rai, trong số đó, nhiều em còn rất ít tuổi. Như em Y Rô Ben Ksơr (9 tuổi, buôn A1) là thành viên nhỏ tuổi nhất lớp học nhưng rất chuyên cần đến lớp, chăm chỉ lắng nghe, luyện tập và biểu diễn khá tốt. Y Rô Ben bộc bạch, bố em đánh chiêng rất giỏi, bố đã truyền tình yêu cồng chiêng cho em. Khi biết tin có lớp dạy đánh chiêng được mở, em cùng anh trai đã hào hứng đăng ký đi học. Em mong muốn sẽ biết đánh thành thạo nhiều bài chiêng của dân tộc mình.

Lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng J’rai tại thị trấn Ea Súp.

Trải qua thời gian học tập, hiện em Nay Triết Stanh (SN 2009, buôn A1) đã tự tin biểu diễn cùng các học viên trong lớp. Nay Triết Stanh chia sẻ, trước đây, nghe tiếng chiêng vang lên ở những nghi lễ của buôn làng, em đã rất thích thú, mê mẩn âm thanh trầm bổng của loại nhạc cụ dân tộc này. Được tham gia lớp học, em biết cách đánh chiêng sao cho đúng, càng đánh lại càng mê, nhờ đó, em hiểu rõ hơn và yêu thêm văn hóa của dân tộc.

 

Kỳ vọng rằng, sau những lớp truyền dạy đánh chiêng sẽ bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, giúp các em biết và đánh được nhiều bài chiêng, sẽ trở thành những nghệ nhân tương lai của buôn làng” - anh Y Khăm Ta Niê.

Cần mẫn chỉ dạy các em suốt gần một tháng qua, ông Y Sen Niê (buôn A2) tâm sự: Thật mừng vì các em rất yêu thích nhạc cụ dân tộc và chăm chỉ, động viên nhau cùng học tập. Lớp học đã khơi dậy niềm đam mê diễn tấu chiêng của thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa trên địa bàn huyện vùng biên Ea Súp.

Để tiếng chiêng mãi ngân vang

Tại thị trấn Ea Súp, nhiều năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng buôn Ea Súp đã tập hợp các thành viên người dân tộc thiểu số tại chỗ ở 5 buôn trên địa bàn, tổ chức sinh hoạt, tham gia các liên hoan, hội diễn cũng như biểu diễn ở những sự kiện chính trị, xã hội của địa phương.

Anh Y Khăm Ta Niê, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB hiện có 40 thành viên, trong đó thành viên nhỏ nhất chỉ mới 9 tuổi. Hiện cộng đồng người J’rai ở thị trấn Ea Súp vẫn duy trì một số nghi lễ truyền thống như: lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ trưởng thành, lễ cúng thần buôn... Những nghi lễ này luôn có sự hiện diện của cồng chiêng, nhờ đó các nghệ nhân, thành viên trong CLB vẫn thường xuyên duy trì tập luyện, thực hành vốn di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình. Thời gian qua, được chính quyền các cấp quan tâm, CLB cũng đã được hỗ trợ trang phục và hai bộ chiêng của người J’rai, trong đó có một bộ chiêng Aráp và một bộ chiêng Pêl. Đặc biệt, lớp truyền dạy đánh chiêng được mở tại đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng, để thể hệ trẻ tiếp nối cha ông, giữ nhịp chiêng của buôn làng.

CLB Cồng chiêng buôn Ea Súp tham gia chương trình giới thiệu Không gian Văn hóa cồng chiêng và gặp mặt, giao lưu CLB vào tháng 8/2024.

Cũng theo anh Y Khăm Ta Niê, hiện khó khăn trong hoạt động của CLB vẫn là vấn đề kinh phí. Trong thời gian tới, CLB mong muốn mở thêm nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng, đặc biệt là chiêng A Ráp (chiêng cổ của người J’rai), cũng như có sự hỗ trợ thêm về kinh phí để tạo điều kiện cho thành viên CLB tham gia nhằm lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea Súp, trên địa bàn huyện hiện có 2 CLB cồng chiêng là CLB Cồng chiêng buôn Ea Súp (thị trấn Ea Súp) và CLB Cồng chiêng buôn Ba Na (xã Ja Jlơi). Trong năm 2024, có 2 lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng đã được mở tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.