Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số: “Đánh thức” giá trị truyền thống (Kỳ 3)

10:08, 29/09/2024

Kỳ 3: Còn những "khoảng trống"!

Trong những năm qua có nhiều đề án, chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa được ban hành cho thấy Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên do sự giao thoa, du nhập văn hóa từ bên ngoài khiến một số giá trị truyền thống của đồng bào DTTS đang đứng trước nguy cơ mất dần bản sắc.

Thưa vắng "cây cao bóng cả"

 

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 11.000 nghệ nhân đang nắm giữ các loại hình văn hóa dân gian như: đánh chiêng; truyền dạy đánh chiêng; chơi nhạc cụ truyền thống; chế tác nhạc cụ dân tộc; làm thầy cúng; nghệ nhân biết lời nói vần, dân ca, tục ngữ… Hầu hết các nghệ nhân dân gian là người đã lớn tuổi và ít có điều kiện để truyền dạy lại cho con cháu về các loại hình văn hóa dân gian của dân tộc mình.

Được xem là lực lượng nòng cốt giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tại các buôn làng, các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh chủ yếu là người đã lớn tuổi. Hiện nay số lượng những người nắm giữ các loại hình văn hóa dân gian của tỉnh đang giảm dần theo thời gian, bởi trong số đó hầu hết các nghệ nhân tuổi đã cao, sức khỏe yếu dần. Cụ thể, qua các đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản phi vật thể, tỉnh Đắk Lắk mới được công nhận 44 Nghệ nhân Ưu tú, trong đó, hiện nay chỉ còn 37 nghệ nhân còn sống.

Là một trong hai người của đồng bào M’nông ở huyện Lắk vinh dự được công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, già Y Krai Cil (thường gọi là Ama Lang Liêng) ở buôn Jiê Juk, xã Đắk Phơi đã bước qua tuổi 77. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, già không nhớ mình đã tham gia làm lễ cúng cho bao nhiêu nghi lễ, nghi thức của người M’nông ở địa phương. Với già, đó là niềm đam mê và tự hào, thế nhưng, nhiều năm gần đây do tuổi cao, sức yếu nên già ít tham gia vào các nghi lễ của buôn làng.

 

 

Già Y Krai Cil tự hào khoe bản công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của mình.
Già Y Krai Cil tự hào khoe bản công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của mình.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lại Đức Đại, nghệ nhân dân gian là những người nắm giữ "bí quyết" về việc thực hành loại hình di sản văn hóa phi vật thể nên được cộng đồng tin tưởng. Họ luôn miệt mài cống hiến những hiểu biết của mình trong việc lưu giữ, trao truyền những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông, dân tộc cho thế hệ kế cận. Tuy nhiên, ở một số loại hình khó như thầy cúng, người xử luật tục, kể sử thi, kể truyện cổ… việc truyền dạy gặp nhiều trở ngại. Việc tổ chức truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể, các nghệ nhân thực hiện truyền dạy chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tế và những gì mình nhớ được bằng hình thức truyền khẩu, không có tài liệu, tư liệu nên ảnh hưởng phần nào đến kết quả thực hiện. Mặt khác, hiện nay với sự giao thoa nhiều nền văn hóa trong lối sống hiện đại nên thế hệ trẻ ít quan tâm, chú trọng những nét văn hóa truyền thống. Trong khi đó, hầu hết các nghệ nhân biết đến các loại hình này đều ở độ tuổi “gần đất, xa trời” nên mỗi năm cứ thế thưa bóng dần, nỗi lo người kế tục vẫn là bài toán khó.

Nỗi lo người kế tục

Với 49 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 32% dân số toàn tỉnh, qua quá trình giao lưu, giao thoa văn hóa đã tạo cho tỉnh Đắk Lắk có nhiều nét văn hóa dân tộc, cộng đồng phong phú. Tuy nhiên, thời gian qua trước sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ đã làm gia tăng sự du nhập văn hóa bên ngoài vào nền văn hóa truyền thống. Mặt khác, cơ chế kinh tế thị trường đã phần nào làm cho cấu trúc của văn hóa truyền thống bị ảnh hưởng, văn hóa các DTTS Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu mai một như nhà dài truyền trống dần thu hẹp; văn hóa sử thi, kể truyện cổ, hát dân ca, dân vũ ngày càng ít; một số bến nước không còn hiện hữu trong đời sống của người dân.

Màn hát đối đáp sli trong ngày hội Hảng Pồ xã Ea Siên đến từ những người lớn tuổi.
Màn hát đối đáp sli trong ngày hội Hảng Pồ xã Ea Siên đến từ những người lớn tuổi.

Đáng lo ngại, trong những năm qua, mặc dù công tác truyền đạt, giảng dạy các loại hình văn hóa dân gian của đồng bào DTTS được các cấp ngành, địa phương quan tâm thực hiện, song trong nhịp sống đương đại, đặc biệt trước sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, hầu như thế hệ trẻ ít quan tâm hoặc không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của cha ông.

Ông Y Krang Tơr, trú tại buôn Tlông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk là một trong những người chế tác và sử dụng nhuần nhuyễn các nhạc cụ dân tộc như kèn nung pa, kèn nung puốt, kèn môi. Thế nhưng, các con của ông không ai biết về các loại nhạc cụ này, mặc dù ông đã nỗ lực để truyền đạt. Đây cũng là điều khiến ông trăn trở, bởi bản thân rồi cũng già đi, nếu không có người kế tục thì sau này trong gia đình, dòng họ không ai biết đến các loại nhạc cụ này.

Tình trạng mai một, khó bảo tồn không chỉ ở nhạc cụ dân tộc mà ở nhiều lĩnh vực văn hóa truyền thống khác. Đơn cử ở một số buôn của xã Đắk Phơi huyện Lắk, tỷ lệ đồng bào M’nông Gar chiếm từ 90-95% dân số, nhưng hầu như không có ai còn lưu giữ được nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.

Ông Y Krang Tơr đau đáu nỗi lo không có người kế tục
Ông Y Krang Tơr đau đáu nỗi lo không có người kế tục

Với đồng bào dân tộc Tày, Nùng, hát sli, hát lượn là một loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc. Thế nhưng, hiện nay lớp trẻ người Tày, Nùng trên vùng đất Đắk Lắk dường như không mặn mà khiến loại hình văn hóa này có nguy cơ bị mai một. Đơn cử như ở xã Ea Siên (TX. Buôn Hồ), mặc dù đồng bào DTTS Tày, Nùng chiếm hơn 60% và nhiều người lớn tuổi biết hát sli, hát lượn nhưng hầu như không có một người trẻ nào biết hát.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, văn hóa truyền thống các DTTS đang đứng trước những thách thức lớn, do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó, trước hết phải thấy sự quan tâm của các ngành, các cấp về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc chưa thật sự sâu sát, đồng bộ. Việc xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn, buôn vùng đồng bào DTTS chủ yếu tự “nuôi” tự “dưỡng”, không có kinh phí hỗ trợ nên việc duy trì tập luyện không được thực hiện thường xuyên, thậm chí phải giải thể.

Mặt khác, đối với việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa dân gian, các nghệ nhân thực hiện truyền dạy chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tế và những gì mình nhớ được bằng hình thức truyền khẩu, không có tài liệu, tư liệu nên ảnh hưởng phần nào đến kết quả thực hiện.

(Còn nữa)      

Kỳ cuối: Phát huy giá trị văn  hóa truyền thống trong đời sống đương đại

Thúy Hồng – Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc