Tượng nhà mồ Bahnar
Chỉ cách thị trấn Kông Chro (Gia Lai) chừng 4 km mà những ngôi làng người Bahnar dòng Bờ Nơm như Plei Yơng, Plei Pyang dường như có… sức đề kháng mãnh liệt với “cơn lốc” đô thị hóa, làng giữ khá nguyên vẹn sắc thái cổ truyền; trong đó, có những nghĩa địa nhà mồ.
Cảm giác thật khó diễn tả khi ngước nhìn những pho tượng đặt quanh mái, bên hàng rào, trên nóc những ngôi nhà mồ.
Đó là một cuộc “triển lãm” điêu khắc ngoài trời, đặc biệt được tổ chức bởi những nghệ sĩ tạc tượng vô danh, đối tượng thẩm mỹ và công chúng thưởng lãm là những linh hồn. Một cuộc triển lãm mà đích đến là giá trị mỹ cảm quên lãng; có cảm tưởng càng hoang phế, tiêu điều, thậm chí là tiêu tan thì cái đẹp mới thực sự hiển sinh. Giữa rừng ma mưa gió, nắng nôi, trập trùng cao thấp cả một bộ sưu tập tượng gỗ với đa dạng mô típ thể hiện.
Ở đây có những bức tượng sinh hoạt như người cưỡi voi, người cưỡi ngựa; phụ nữ cầm quả bầu lấy nước, đàn ông đánh trống, đánh chiêng; thợ rèn, người đứng hát, múa xoang. Có tượng người ngồi khóc, tượng mẹ con với nhiều dạng thể hiện như mẹ cõng con, mẹ dắt con, mẹ bế con, mẹ địu con. Có tượng người phụ nữ trầm tư… rồi cả cầu thủ bóng đá, công an, bộ đội. Và nhiều nhất là tượng những con vật như: công, khỉ, rắn, voi rồi tượng những đồ gia dụng quý như nồi đồng, ngà voi, sừng trâu…
Tượng gỗ nhà mồ ở nghĩa địa làng Plei Pyang. |
Trong không gian tượng gỗ nhà mồ Plei Pyang, tôi đã bắt gặp một cảm giác chuyển tiếp sự sống và cái chết, một cảm giác chứa đầy ma mị nhưng cũng gợi lên bao điều suy tưởng. Người Bahnar gọi tượng nhà mồ là “đík” nghĩa là nô lệ, người hầu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những mẫu tượng gỗ nhà mồ còn lưu giữ hiện nay có thể có từ giai đoạn Pơtao (tù trưởng lớn), có nét gần gũi với tượng gỗ của thổ dân Nam Đảo. Nó phản ánh văn hóa xã hội thuộc thời hoang sơ.
Còn trong buôn làng Bahnar cho đến ngày nay, không kể giàu hay nghèo, theo phong tục thì đẽo tượng “đi theo” người chết là điều bắt buộc phải làm, thể hiện lòng hiếu đễ, tình cảm tiếc thương của người sống đối với người đã khuất. Tượng đi theo người chết thường được tạc đẽo theo ý thích, nghề nghiệp của người đó khi còn sống và nhất định là phải theo cặp âm - dương, đề cao tính phồn thực, ngay cả tượng con vật cũng phải có đôi có cặp…
Tượng gỗ nhà mồ Bahnar. |
Tôi gạt những mớ dây leo chằng chịt và ngạc nhiên đến sửng sốt khi bắt gặp một cặp tượng người đàn bà dưới thấp, người đàn ông trên cao trước một ngôi nhà mồ đang dần hoang phế. Tôi không dám ngắm kỹ gương mặt người đàn bà ấy, vì nó quá “sống”, quá sinh động. Bà ngồi đó bó gối chống cằm, ôm hai tai ủ rũ, đôi mắt nhắm nghiền, sâu thẳm một nỗi buồn hay nỗi niềm khôn tả. Một gương mặt rất đời mà tôi vẫn thường được chứng kiến trong những dịp đi qua các buôn làng Tây Nguyên.
Nhìn bức tượng người đàn bà Bahnar với nét tạc bằng gỗ thô mộc mà liên tưởng đến tác phẩm điêu khắc Le Penseur (Người suy tư) của họa sĩ người Pháp nổi tiếng Auguste Rodin. Nhưng A.Rodin là một nghệ sĩ chuyên nghiệp thiên tài, còn người đàn ông Bahnar vô danh nào đó tạc bức tượng này chỉ bằng sự trực cảm nguyên thủy. Tôi cảm nhận, ông đã dùng rìu bóc tượng hình ấy từ thân gỗ ra bằng một xúc cảm riêng mà chỉ có ông mới hiểu và ông tạc bằng một sự linh ứng không thể dừng trong một cõi khao khát nguyên sơ.
Có thể trong cuộc đời của người đàn ông này, ông chỉ “sáng tác” một bức tượng duy nhất rồi thôi. Người dân tộc bản địa Tây Nguyên không làm nghệ thuật, họ chỉ “sống” nghệ thuật. Nghệ thuật với họ là những khoảng khắc thăng hoa bùng cháy tự nhiên trong một dịp linh thiêng nào đó. “Tác phẩm” của người đàn ông này cũng vậy, rồi đây nó sẽ vô tích vô tăm trong lòng đất và hòa tan vào rừng già thăm thẳm…
Uông Thái Biểu
Ý kiến bạn đọc