Vang vọng hào khí yêu nước nơi Nghĩa trủng Xuân Áng
Nằm giữa thung lũng rộng lớn, xung quanh là thôn quê yên bình, giữa bốn bề là những dãy núi trùng điệp thuộc khu 11, xã Xuân Áng (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), Nghĩa trủng Xuân Áng - một di tích lịch sử đặc biệt – là nơi thờ tự và an nghỉ của 103 nghĩa sĩ yêu nước đã anh dũng hy sinh trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp do tướng quân Nguyễn Quang Bích lãnh đạo.
“Nghĩa trủng” là từ Hán Việt (đồng nghĩa với nghĩa trang), là ngôi mộ chung của những người chết vì làm việc nghĩa. Nghĩa trủng Xuân Áng là nơi quy tập hài cốt của 103 nghĩa sĩ, những người sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, vì nền độc lập của dân tộc. Khuôn viên Nghĩa trủng Xuân Áng rộng 513 m2 gồm các hạng mục như cổng, câu đối khu mộ, văn cây hương, văn tế nghĩa trủng, bia đá, cây đa cổ thụ; bên phải nghĩa trủng là ngọn núi Ván trùng điệp xanh thẳm, phía trước là cánh đồng lúa bát ngát, xa xa là núi Ông.
Ngược dòng lịch sử, lần theo các tư liệu còn lưu giữ, chúng tôi trở về di tích Căn cứ Tiên Động (xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), nơi có đền thờ tướng quân Nguyễn Quang Bích và lưu giữ những tư liệu lịch sử về phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở vùng trung du Phú Thọ. Phong trào này do tướng quân Nguyễn Quang Bích khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1884, đóng căn cứ tại Tiên Động với ý chí “Thắng mà sống thì làm nghĩa sĩ triều đình; chẳng may thua mà chết thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc”.
Theo tư liệu lịch sử, Tiên Động là căn cứ đầu tiên chống Pháp ở Bắc Kỳ. Vào tháng 4/1884, tỉnh Hưng Hóa bị thất thủ, tuần phủ Nguyễn Quang Bích được triệu hồi về kinh. Ông đã nộp trả ấn tín rồi dẫn quân lên Tiên Động dựng cờ khởi nghĩa. Hơn một năm sau, phong trào khởi nghĩa Cần Vương được phát động cả nước thì Tiên Động trở thành trung tâm chỉ đạo toàn Bắc Kỳ. Địa bàn hoạt động và chiến đấu của nghĩa quân khá rộng, trải dài từ Tiên Động đến Xuân Áng, Lang Sơn, Ấm Thượng, Động Lâm (Hạ Hòa), Ngòi Lao, Mỹ Lung (Yên Lập) đến vùng Yên Bái.
Nghĩa trủng Xuân Áng toạ lạc trên gò đất cao giữa cánh đồng, là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. |
Những trận chiến trên vùng rừng núi Phú Thọ và Yên Bái của nghĩa quân do Nguyễn Quang Bích chỉ huy đã khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ và rút lui. Tuy nhiên, do sự mất cân đối giữa lực lượng và vũ khí chiến đấu, thực dân Pháp với vũ khí súng đạn hiện đại, đông đảo đã tấn công và giành thế chủ động trên chiến trận, giết hại nhiều nghĩa sĩ.
Xót thương và biết ơn các nghĩa sĩ đã xả thân, hy sinh vì nghĩa lớn trên khắp các trận địa vùng rừng núi, năm 1887 lãnh binh Bùi Hữu Khanh quy tập hài cốt 103 nghĩa sĩ về tại xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) an táng. Trải qua hơn một thế kỷ, Nghĩa trủng Xuân Áng đã được gia tộc họ Bùi Hữu xã Xuân Áng cùng các nhà hảo tâm tôn tạo khang trang vào ngày 23/12 Nhâm Thìn (2012). Theo đánh giá của Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì Nghĩa trủng Xuân Áng là địa điểm lịch sử có giá trị trong hệ thống các di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là một trong những nghĩa trủng lớn của cả nước. Nghĩa trủng Xuân Áng hiện đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh của tỉnh Phú Thọ.
Đến thăm Nghĩa trủng Xuân Áng, trong niềm tri ân, tự hào và xúc động, chúng tôi như lắng nghe được âm vang hào hùng của nghĩa quân trong những ngày ra trận nơi miền rừng núi, cảm nhận được không khí sục sôi đánh giặc, giữ nước của những người con mang trong mình lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Đúng như khẩu hiệu thiêng liêng mà tướng quân Nguyễn Quang Bích đã đọc trước giờ xuất quân: “Trời Nam Việt ngàn năm vẫn thắm/ Đất Lạc Hồng vạn thuở nguyên xanh”.
Bia đá ghi lại thông tin về các nghĩa sĩ và quá trình quy tập Nghĩa trủng Xuân Áng do nhà sử học Lê Văn Lan biên soạn. |
Nghĩa trủng Xuân Áng trên vùng Đất Tổ Phú Thọ là nơi lưu giữ, hội tụ những giá trị lịch sử - văn hóa, khắc ghi hào khí, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của các anh hùng nghĩa sĩ trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Nơi đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc