Multimedia Đọc Báo in

Trạng nguyên Vũ Duệ - biểu tượng sáng ngời của sự học và cống hiến

09:00, 17/11/2024

Theo sử sách và những câu chuyện do người dân truyền lại, Vũ Duệ sinh ngày mùng 8 tháng Chạp năm Kỷ Mão (năm 1469), là người làng Trình Xá, tổng Vĩnh Lại, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây (nay là xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Thuở nhỏ ông tên là Vũ Nghĩa Chi, được mệnh danh là “Thần đồng”. Năm 20 tuổi, ông đỗ đầu thi Hương; khoa thi Hội năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (năm 1490), ông giành giải Trạng nguyên.

Vũ Duệ làm việc và cống hiến từ đời Lê Thánh Tông tới các triều Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Mục và Chiêu Tông. Ông làm việc từ chức Tham phủ tới Lại bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, Trịnh Ý bỉnh văn, Thiếu bảo, tước Trình khê hầu. Thời vua Chiêu Tông đất nước suy tàn, tướng Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua, Vũ Duệ không chịu nổi đã tử tiết ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (năm 1522).

Các triều đại nhà Lê, nhà Nguyễn đều ban sắc phong biểu dương uy linh và công lao, tử tiết của Trạng nguyên Vũ Duệ. Về thơ văn, Vũ Duệ có bài Đình Đối trong kỳ thi Canh Tuất (1490), bài phú “Tương đàn phú”, bài bạt “Lan đình chiêm bạt ứng chế”, 6 bài thơ Phụng hòa thơ Hoàng đế Lê Thánh Tông băng hà, thơ “Giá hạnh bảo châu cảm tác” và bài thơ “Co cuồng”… cùng nhiều giai thoại khác được lưu truyền trong dân gian.

Tài năng, đức độ và sự dấn thân của Trạng nguyên Vũ Duệ là những yếu tố quan trọng để các triều đại và nhân dân xếp ông đứng đầu trong số 13 vị đại quân trung thần tử tiết, là nhà danh nho đứng đầu hàng khoa bảng trong số 26 vị danh nho vùng đất Tổ Phú Thọ, là trạng nguyên duy nhất của tỉnh Phú Thọ. Tên tuổi, công trạng và sự nghiệp của Trạng nguyên Vũ Duệ đã được khắc ghi trên bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Nhà bia trong khuôn viên đền thờ ghi lại những thông tin về Trạng nguyên Vũ Duệ.

Tri ân công đức và mong muốn con cháu làng Trình sau này noi gương Trạng nguyên Vũ Duệ mà học hành thành tài, người dân Vĩnh Lại đã lập đền thờ ông ngay bên triền sông Hồng. Ngôi đền được khởi dựng vào đầu thế kỷ 16 (năm 1522) dưới thời vua Mạc Đăng Dung. Trải qua thời gian, vật đổi sao dời, chính quyền và người dân nơi đây vẫn quyết tâm gìn giữ, tôn tạo ngôi đền như một biểu tượng thiêng liêng về truyền thống học hành của quê hương mình. Đền được mang tên “Tiết nghĩa từ” nghĩa là đền thờ ông Tiết nghĩa. Ý nghĩa này gắn liền với sự kiện sau 24 năm ngày Vũ Duệ mất, tháng 11 năm Bính Ngọ (1556), vua Lê Anh Tông đã tuyên dương công trạng của 13 vị quan tử tiết và xếp Vũ Duệ đứng đầu.

Đến đời vua Lê Hiển Tông, ngôi đền thờ đã được trùng tu hai lần. Lần thứ nhất do tiến sĩ Nguyễn Mai, lúc đó làm trấn thủ Sơn Tây đảm trách; lần thứ hai do tiến sĩ Lý Trấn Quán làm giám sát ngự sử thực hiện. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch), nhân dân làng Trình Xá tổ chức lễ hội đền quan Trạng với nhiều nghi lễ truyền thống.

Về đất Tổ Phú Thọ thăm làng Trình Xá bên triền sông Hồng hiền hòa, dừng chân chiêm bái đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ - biểu tượng cho sự học, người làm rạng danh quê hương, mỗi người dân đất Việt luôn cảm thấy tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Bài cuối: Tiếp thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo
Công tác giảm nghèo của tỉnh đã nhận được hỗ trợ to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đã tiếp thêm nguồn lực để chăm lo đời sống cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống.