Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân vào mùa Tết

08:19, 29/12/2024

Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025 đang đến gần cùng với nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong dịp này. Đây cũng là cơ hội để nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và hát múa dân gian có “đất diễn” nhằm vừa giới thiệu, quảng bá vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc, vừa có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Nghệ sĩ Y Hoát Êban (Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk) chia sẻ, nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc của anh hiện đang nhận được rất nhiều “đơn đặt hàng” từ phía các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp làm du lịch mời tham gia các hoạt động văn hóa - nghệ thuật sắp diễn ra, tiêu biểu là dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3/2, tiếp đó là kỷ niệm Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3 và đặc biệt là dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.

Theo nghệ sĩ, chương trình, nội dung lịch diễn mỗi nơi mỗi khác, tùy theo yêu cầu của đối tác. Trong các dịp đại lễ thì dĩ nhiên phải theo lối truyền thống, được đạo diễn dàn dựng bài bản, công phu, có chủ đề/chủ đích nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Còn ở những dịp khác, chủ yếu là trong hoạt động du lịch thì nhóm của anh tung tẩy, phá cách hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm đa dạng của du khách.

Ví như cũng chừng ấy nhạc cụ (một dàn chiêng knah, ching kram, trống và hai chiếc đàn t’rưng (đực - cái), nhóm nghệ nhân trẻ của Y Hoát Êban đã tập dượt và chơi được những ca khúc hiện đại theo thang âm bảy nốt (đô - rê - mi - pha - son - la - si) khiến ai cũng thích thú.

Nhất là bộ đôi đàn t’rưng và dàn ching kram, có thể chơi như guitar hay piano với sự hòa âm, phối khí hết sức độc đáo cùng chiêng và trống, tạo nên không gian nghệ thuật giàu bản sắc tại những khu/điểm du lịch cộng đồng. Chính nhờ yếu tố mới lạ này mà nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc của anh rất được nhiều khách hàng lựa chọn, nhất là mùa du lịch Tết năm nay.   

Nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc của nghệ nhân trẻ Y Hoát tham gia Chương trình Âm vang đại ngàn phục vụ du khách.

Ở TP. Buôn Ma Thuột, các đội cồng chiêng buôn Kô Siêr, Akô Dhông, Ea Tam… cũng hết sức bận rộn với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật được mời tham gia từ nay đến tháng 3/2025.  Ama Pô, đội trưởng đội cồng chiêng buôn Kô Siêr hào hứng: "Bảy nghệ nhân của đội đang đi lại như con thoi để biểu diễn phục vụ du khách tại những khu/điểm du lịch cộng đồng Akô Dhông, Tơng Jú, Kô Tam và nhiều điểm lưu trú, nhà hàng sinh thái trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng như nhiều vùng lân cận".  

Thuần túy trình diễn cồng chiêng truyền thống cùng với những nhạc cụ tre nứa quen thuộc như: đing năm, đing pơng và đing tạc tà, thành viên những đội cồng chiêng này luôn tràn đầy niềm vui và lòng tự hào. Ama Kim, một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất của đội chiêng buôn Kô Siêr chia sẻ, được đi đánh chiêng cho mọi người nghe là niềm hạnh phúc nhất của mình, bởi qua những dịp như thế, vốn âm nhạc độc đáo và đặc sắc của dân tộc mình được cổ vũ, thăng hoa. Bất kỳ ai đến Tây Nguyên cũng muốn nghe âm thanh ấy và mình là chủ nhân nên khi đón tiếp, phục vụ du khách thì không gì bằng diễn tấu một vài bài chiêng để thể hiện tấm lòng và hơn thế là để khẳng định vốn văn hóa truyền thống dân tộc mình trong bức tranh văn hóa đa sắc màu Việt Nam. Còn chuyện tiền nong không quá quan trọng, thù lao cho mỗi suất diễn năm bảy trăm nghìn là tốt lắm rồi.  Điều quan trọng là đủ cho mọi người chăm chút và gìn giữ vốn văn hóa của ông bà để lại. Điều đó được anh Y Lia Knul (nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc của Y Hoát Êban) chia sẻ: "Một khi đời sống kinh tế được bảo đảm thì cồng chiêng mới ngân lên được; biểu diễn cồng chiêng phục vụ du lịch cũng là môi trường tốt để rèn luyện kỹ năng cho mình và gắn bó hơn với vốn di sản này".

Trong đời sống hiện nay, cồng chiêng cũng như vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo khác đã bước ra hòa nhập với thời đại, từng bước tạo điều kiện cho chủ nhân của di sản ấy có thêm thu nhập, nâng cao đời sống thông qua những hoạt động văn hóa, du lịch diễn ra sôi động và rộng khắp là điều đáng ghi nhận và cổ súy. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Ama Pô, việc tìm hiểu, đào sâu và hoàn thiện vốn văn hóa của cha ông để lại cho con cháu là vấn đề cần quan tâm, làm sao cho diện mạo, bản sắc của mỗi cộng đồng dân tộc hiện ra trong cảm nhận mọi người thật đầy đủ, chân thật và toàn vẹn là trách nhiệm của mọi người khi đưa cồng chiêng hòa nhập với đời sống đương đại.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Đảng viên trẻ là “rường cột” của buôn làng
Với trách nhiệm nêu gương của đảng viên cùng lòng nhiệt huyết, khát khao cống hiến của tuổi trẻ, họ tích cực xây dựng khối đoàn kết nội bộ, là "cầu nối" giữa Đảng với nhân dân, qua đó đã có những cống hiến thiết thực, góp phần quan trọng vào sự đổi thay ở các buôn làng.