Multimedia Đọc Báo in

Tự tình với sáo

14:51, 24/12/2024

Hầu như cộng đồng dân tộc nào cũng có sáo, một loại nhạc cụ truyền thống thân thuộc và gần gũi trong đời sống sinh hoạt văn hóa của mọi người. Tiếng sáo cũng là tiếng lòng cất lên từ nội tâm sâu lắng, bởi thế khi nghe âm thanh ấy, người ta nhận ra ngay sắc thái của mỗi tộc người.

Với các tộc người ở Tây Nguyên, sáo có lẽ là một trong những nhạc cụ uyển chuyển và linh hoạt nhất (cùng với ching kram) làm nên sự “đa phong cách” trong không gian diễn tấu, thực hành chế tác. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk chia sẻ: Sáo cũng như ching kram đều được chế tác từ những ống tre nứa, nhưng một bên thuộc bộ hơi và một bên thuộc bộ gõ. Song, cả hai cùng có “dư địa rộng lớn” để cách điệu và sáng tạo, khiến cho vốn âm nhạc dân gian ở đây trở nên đa dạng, phong phú hơn so với bất kỳ vùng miền nào khác trên cả nước.

Với ching kram thì ai cũng biết, nguyên thủy là từ những thanh tre,  nứa được gõ riêng lẻ (một người/chiếc) như dàn chiêng đồng cổ truyền vậy, từ đó các nghệ nhân chế tác đã gộp lại thành một dàn trên bệ đỡ để diễn tấu. Có người như nghệ sĩ Trương Ân (nhạc công Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk), hay Nguyễn Đức (nguyên giáo viên giảng dạy âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk) còn đẩy biên độ giao cảm, lan tỏa từ âm vang tre nứa kia đi xa hơn bằng cách sáng tạo thêm dàn ching kram cộng hưởng và nó được xem như chiếc đàn “piano của Tây Nguyên” vậy, hay ching gió đeo vào người để diễn tấu một cách linh động và uyển chuyển.

Nghệ nhân Ưu tú Y Míp Ayun chế tác và trình diễn sáo phục vụ du khách tham quan Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: Văn Năm

Còn với sáo cũng có những cách điệu và sáng tạo đáng kinh ngạc. Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, nguyên thủy của sáo là một ống nứa được khoét từ 3 - 7 lỗ để thổi qua lưỡi gà làm bằng cật tre rất mỏng và tinh tế, người Êđê gọi đó là sáo lút truyền thống. Qua thời gian, từ nhạc cụ phổ biến này, người ta cải biến nó thành chiếc kèn đing năm giàu bản sắc bằng cách gắn 6 ống sáo vào thân quả bầu khô để thổi (cũng qua lưỡi gà ấy) nhằm gia tăng thang âm, điệu thức cho âm thanh thêm phong phú.

Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan cho rằng, sáo hay kèn của các tộc người Tây Nguyên cũng là nhạc cụ thuộc bộ hơi, nhưng biện pháp kích âm không chỉ thổi, mà còn sử dụng các thao tác diễn xướng như vỗ, gõ, dỗ, dọng, vuốt… tạo nên những âm điệu, tiết tấu đa dạng hơn. Những biện pháp kích âm độc đáo ấy đã giúp Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân sáng tạo ra cây sáo vỗ hết sức độc đáo, góp phần làm giàu có thêm vốn âm nhạc dân gian Tây Nguyên.   

Theo khảo tả của Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân trong cuốn “Nhạc cụ dân gian Êđê, M’nông ở Đắk Lắk” thì trong “thế giới” sáo của vùng đất này quả thật phong phú. Nào là sáo lút, đing tạc tà cũng như một số nhạc cụ khác được chế tác từ nguyên lý diễn tấu của sáo như đing năm, đing puốt của người Êđê cho đến sáo wao, mblodơng, mblôdít của người M’nông đã cho thấy năng lực sáng tạo mạnh mẽ của các tộc người ở đây. Tuy nhiên, đến nay có một số loại sáo đang đứng trước nguy cơ thất truyền do nghệ nhân chế tác hạn chế am hiểu về nguyên lý kích âm của sáo như ngày xưa.

Đặc biệt là sáo mblodơng, mblôdít đã không còn hiện diện trong đời sống sinh hoạt, thực hành văn hóa của người M’nông. Vì thế Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân cho rằng: Cùng với việc truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ đang được quan tâm, thúc đẩy như hiện nay, ngành văn hóa của các địa phương cũng cần có kế hoạch, giải pháp hữu hiệu nhằm phục hồi, phát triển vốn nhạc cụ/âm nhạc tre nứa giàu bản sắc này, nhất là các loại sáo kể trên để âm thanh mộc mạc và gần gũi ấy trở về với đời sống của cộng đồng.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thắt chặt tình đoàn kết quân dân
Cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk đã lập nhiều chiến công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển của tỉnh, được Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5, cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.