Multimedia Đọc Báo in

Tiếng sáo diều

17:58, 30/08/2010

Thú chơi thả diều ở quê tôi có từ lâu lắm. Từ già trẻ gái trai, hết thảy mê buông diều. Nhớ cái thuở tuổi chín mười, hễ dắt trâu ra đồng là trên vai tôi lại đeo toòng teng chiếc diều khi là chiếc cánh mộc to bằng cái quạt nan, khi là diều ba cánh hay cánh tiên chỉ bằng bàn tay người lớn. Diều cánh mộc khó buông, cứ phải có hai người, một cầm dây, một cầm diều đẩy lên. Nếu gặp gió, nó bay vút lên, diều tốt không chao đảo gọi là diều “cất”, chỉ việc thả hết dây rồi buộc vào gốc cây mà đứng ngắm. Diều lơ lửng tầng không trông giống chiếc lá đa, ấy là cánh mộc. Còn tròn xoe như cặp kính lão và cái đuôi phần phật là diều cánh tiên. Diều ba cánh dứt khoát phải có hai cánh đôi xứng bằng nhau giống hình lá mít và cánh đằng đuôi to hơn hai cánh kia chút đỉnh. Người lớn có diều to mang sáo, trẻ con chơi diều bé tẹo, song quê tôi cũng chỉ có đơn điệu ba kiểu diều ấy thôi. Khung diều làm bằng tre cật, vót nhẵn nhụi rồi được phất bằng giấy dó mỏng nhẹ, chất dính kết chủ yếu là nhựa lấy từ quả cậy. Chơi diều cũng có mùa, người ta thích chơi vào chiều hè hay mùa thu có lẽ vì muốn thưởng thức tiếng sáo diều vào những đêm trăng thanh gió mát. Chả thế mà khi đọc đến câu thơ “Sáo diều vi vút thổi đêm trăng” của Quang Dũng lòng ta cứ thấy rưng rưng.

 


Mỗi nhà chỉ có khoảng sân rộng vài chục thước, xung quanh lại bị bao bọc kín bởi cây cối, vườn tược, tre pheo… mà diều vẫn cứ đón gió bay lên. Không có gió thấp, phải đón gió trên cao. Cái vòng khuyên được bắt chặt vào đầu cây sào rồi luồn dây qua. Người chơi diều một tay ôm, hai đùi kẹp sào, còn tay kia cầm dây kéo diều lên gần đầu sào rồi dứ dứ như kiểu người ta câu cá quả, đợi lúc cơn gió ào qua là thả dây. Chỉ cần vượt khỏi ngọn tre, gặp đà gió mạnh là diều có sức dướn lên. Cái thời dây diều làm bằng dây đay, dây gai bện săn xoắn, chỉ sơ suất một chút, diều đứt dây bay xa, sang làng khác, phải lần mò đi tìm, xin chuộc. Nhiều lúc dây mắc vào cành cây cao, diều vẫn bay lơ lửng mà không làm sao được, người lớn trẻ con cứ đứng ngẩn ra nhìn.

Làng tôi có một ông lão bị mù từ khi còn nhỏ. Ông chuyên nấu rượu bán lẻ cho dân làng. Khi không còn đôi mắt, ông có đôi tay và đôi tai thật diệu kỳ. Khi bán hàng, mức rượu rót vào chai đầy vơi đến đâu ông nghe tiếng róc rách là biết. Ai mua bao nhiêu, đong không sai một tẹo. Cầm dây, ông biết ngay diều bị ghé bên nào, phải kéo xuống điều chỉnh lại lèo bao nhiêu, ông chỉ làm một lần là được. Ông có bộ sáo diều tự khoét, hay không ai bì được. Bộ sáo ba bao giờ cũng có ba âm chuẩn: hồ, xang, xế. Ông phải khoét tới hàng chục bộ, tình cờ được một bộ có thể nói độc nhất vô nhị. Cũng chỉ có ba âm cơ bản nhưng nó ở cung nào chẳng rõ mà mỗi khi tiếng sáo cất lên người nghe cứ thấy xao xuyến, lâng lâng khôn tả. Những đêm trăng thanh khuya khoắt, bốn bề yên ắng, chỉ có tiếng sào diều vi vút tầng không. Chen chúc trong bao nhiêu âm thanh hỗn tạp của sáo các con diều khác, người ta vẫn nhận ra được tiếng sáo diều của ông già mù bán rượu. Nó réo rắt, lảnh lót, ngân nga khoan nhặt… như thể ngọn gió cũng có sức biểu cảm. Nửa đêm tỉnh giấc nghe tiếng sáo ấy, người ta mường tượng ra sức lộng gió trên cao và có lúc nó như báo hiệu gió sắp sửa đổi chiều. Sau này, ông lão qua đời, con cái phân tán mỗi người một nơi, chẳng ai biết chiếc diều sáo ấy đi đâu mất, mà tiếng sáo thì cứ vương vấn mãi trong ký ức tôi đến tận bây giờ.

 Vũ Quốc Túy

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Đà Lạt chim sẻ
07:08, 22/08/2010
Đà Lạt chim sẻ
07:08, 22/08/2010
Quê ngoại
06:41, 22/08/2010
Quê ngoại
06:41, 22/08/2010
(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.