Giữ "lửa" văn hóa truyền thống
Với tình yêu và lòng tự hào, các thế hệ phụ nữ dân tộc Êđê ở xã Cư Huê (huyện Ea Kar) vẫn cần mẫn bên khung cửi, hòa nhịp trong tiếng chiêng ngân… “giữ lửa” cho nét đẹp văn hóa truyền thống.
Năm nay dù đã 76 tuổi nhưng bà Aduôn Nê Ra - một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm của buôn M’Oa, xã Cư Huê vẫn có thể ngồi hàng giờ để kể về niềm đam mê của mình cũng như hòa mình trong tiếng lách cách của khung dệt và tỉ mẩn sáng tạo ra các hoa văn, họa tiết cho tấm thổ cẩm.
Từ nhỏ Aduôn Nê Ra đã bị cuốn hút bởi những sợi chỉ đầy sắc màu giăng ngang, dọc mỗi khi mẹ dệt vải. Được mẹ chỉ dạy, Aduôn Nê Ra đã biết cách thức xếp khung cửi, bày chỉ, rồi học dệt các sản phẩm đơn giản. Khi sản phẩm đầu tay của mình là một tấm thổ cẩm ra đời, nhìn thấy nụ cười, ánh mắt đầy tự hào của bà và mẹ, Aduôn Nê Ra tự nhủ phải tiếp tục học dệt để nghề truyền thống không bị mai một, thất truyền.
![]() |
Bà Aduôn Nê Ra (bên trái) - nghệ nhân dệt thổ cẩm buôn M'Oa (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) chỉ dạy cách tạo hoa văn thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. |
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, Aduôn Nê Ra lại ngồi vào khung cửi. Ban đầu bà chỉ biết dệt những hoa văn đơn giản như đường thẳng, đường dích dắc rồi đến những họa tiết phức tạp được cách điệu từ cuộc sống sinh hoạt thường ngày như chim muông, hoa lá, cây cối, đồ vật, dây treo chiêng, cột nhà mồ…
Để làm được một sản phẩm thổ cẩm phải mất 10-15 ngày, số tiền bán được chỉ trên dưới 1 triệu đồng nhưng vì niềm đam mê và tình yêu thổ cẩm, Aduôn Nê Ra vẫn miệt mài bên khung cửi suốt mấy chục năm qua. Niềm đam mê đó của bà được truyền lại cho con gái và nhiều chị em trong buôn. Bà luôn sẵn lòng nhận lời mời tham gia dạy nghề dệt thổ cẩm và dốc tâm sức để chỉ dạy với mong muốn ngày càng nhiều phụ nữ Êđê yêu thích và biết dệt thổ cẩm.
Cùng với Aduôn Nê Ra, tại 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của xã Cư Huê còn nhiều người già, người trẻ biết dệt thổ cẩm như: Aduôn Yên, Amí Nui, H’Nhon Bkrông, H’Bluin Bkrông… Họ không chỉ giữ “lửa” của nghề dệt truyền thống mà còn góp phần phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã.
Để nghề dệt tại các buôn trên địa bàn xã Cư Huê được trao truyền, phát triển có sự đóng góp lớn của bà Amí Toàn, Trưởng ban công tác Mặt trận buôn M’Oa. Bà Amí Toàn không chỉ ngược xuôi vận động 25 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia học nghề dệt, học đánh chiêng mà còn sử dụng nhà sàn của gia đình làm nơi trưng bày các sản phẩm truyền thống như: chiêng, gùi, ghế dài, quần áo, túi xách, chăn, khăn thổ cẩm… cho du khách đến tham quan, mua sắm. Amí Toàn còn thu mua tấm dệt thổ cẩm của chị em, cắt may thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi đưa các sản phẩm đi chào hàng, tiếp thị, tìm kiếm đơn đặt hàng.
![]() |
Đội chiêng kram nữ xã Cư Huê (huyện Ea Kar) biểu diễn bài "Mừng lúa mới". |
Để bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và phát triển du lịch cộng đồng của xã, đội chiêng kram nữ xã Cư Huê cũng được thành lập cuối năm 2022 gồm 9 thành viên, là tâm huyết sau bao trăn trở của chị H Ni Wong Bkrông, hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư Huê. Từ chỗ không ai biết đến, giờ đây các lễ hội, hoạt động văn hóa hay sự kiện, hội nghị của xã, của huyện, đội đều được mời tham gia diễn tấu.
Với mong muốn được góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, xây dựng Cư Huê thành xã du lịch cộng đồng để từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người dân bằng chính những sản phẩm bản địa, chị H Ni Wong đã thành lập thêm một đội múa xoang; lập trang fanpage Ching kram Cư Huê nhằm quảng bá hoạt động của đội chiêng, kết nối giới thiệu về ẩm thực, các sản phẩm dệt thổ cẩm. Thành viên của đội còn học và nấu các món truyền thống của người Êđê vừa để quảng bá và có thêm thu nhập. Nỗ lực đó đã giúp các sản phẩm của đội như: rượu cần, thịt gác bếp, cơm lam, gà nướng, các loại rau rừng bản địa ngày càng được người dân và du khách ưa chuộng.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc