Trăn trở "bài toán" bảo tồn, phát triển vốn văn hóa
Bảo tồn và phát triển vốn văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc luôn là "bài toán" nan giải. Ở đó, môi trường văn hóa cộng đồng cần được nhận diện qua hai địa hạt: môi trường văn hóa di sản và môi trường văn hóa hiện đại.
Giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại luôn tiềm tàng những khả năng tranh chấp, mà việc hóa giải sự tranh chấp này luôn đối mặt trước những thử thách đối với cộng đồng, tổ chức sở hữu vốn văn hóa của mình.
Thực tế cho thấy “bài toán” bảo tồn và phát triển của mọi địa phương, quốc gia, dân tộc luôn được cân nhắc bởi lẽ thiệt hơn khi đưa ra bàn thảo, mà có lúc kết quả cuối cùng lại không theo như dự kiến hay mong muốn. Do vậy, trước mỗi vấn đề, người "cầm cân nảy mực" bao giờ cũng cần nhìn nhận một cách khách quan và trung thực.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trên địa hạt này cho rằng, khó có một phương cách cụ thể nào để có thể giải được “bài toán” bảo tồn và phát triển, mà thường tùy vào thực tế, tùy vào nhận thức và tâm lý ứng xử của mỗi cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến rằng, bảo vệ tốt di sản, tài sản văn hóa thì tự thân nó đã bao hàm tính phát triển. Thực tế vẫn có những đánh giá thiếu khách quan trong việc bảo tồn, cho rằng bảo tồn như một sự bảo thủ, cổ hủ, thiếu cái nhìn tiến bộ và trì níu sự phát triển. Suy cho cùng thì nhận thức văn hóa mới là chuyện sống còn của giá trị văn hóa truyền thống. Văn hóa là những giá trị còn lại sau những gì đã qua, luôn là nền tảng, động lực của mọi quốc gia trong tiến trình phát triển.
Văn hóa là một trong những vốn tài nguyên quý giá cần được quan tâm bảo tồn, phát triển. Ảnh: Hữu Hùng |
Lịch sử, văn hóa và danh thắng... là vốn tài nguyên quý báu nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Vấn đề là vốn tài nguyên quý báu ấy được khai thác và phát huy như thế nào để tránh nguy cơ “cạn kiệt”. Với di sản văn hóa nói chung thì sự cạn kiệt ấy không hiện hữu ở số lượng mà hiện hữu ở chất lượng. Nếu chúng ta làm không tốt, chỉ bằng lòng và dừng lại ở những gì đã có sẵn, mà không tiếp tục nghiên cứu để bồi đắp cho những giá trị di sản thì hiện tượng “cạn kiệt” hiện rõ qua sự nghèo nàn, đơn điệu và nhàm chán. Trong lĩnh vực du lịch lấy tài nguyên lịch sử, văn hóa và danh thắng để kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận như hiện nay đã nảy sinh nguy cơ “ăn mòn” di sản, vốn văn hóa đã có, điều đó đang được cộng đồng, xã hội nhận diện qua nhiều cấp độ, từ mất mát đơn lẻ đến cạn kiệt và biến mất hoàn toàn.
Do vậy, môi trường di sản phải luôn được bồi đắp, kiến tạo không ngừng. Ví như với Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cần phải nghiêm túc, thấu đáo nghiên cứu để phục dựng và tái hiện trong mỗi cộng đồng dân tộc. Còn nhớ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam từng nói: “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên luôn luôn mới”. Mới ở đây không phải là một khát khao “làm mới” di sản ấy, mà cái mới đó được tìm thấy trong nhiều phức hệ giá trị của nó, để tiếp tục trao truyền cho thế hệ tiếp nối. Đó cũng là sứ mệnh đòi hỏi chính chủ nhân của di sản này phải nỗ lực và chân thành thực hiện cho hôm nay và cả mai sau.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc