Multimedia Đọc Báo in

“Bản hợp xướng” văn hóa đa sắc màu

16:26, 02/02/2025

Tại Hội thảo khoa học “Đắk Lắk - 120 năm hình thành và phát triển” được tổ chức vào cuối tháng 10/2024, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm tham luận rằng: Vùng đất này là “bản hợp xướng” văn hóa đa sắc màu của 49 dân tộc anh em cùng nhau chung sống. Mỗi dân tộc mỗi vẻ khác nhau đã làm nên diện mạo văn hóa đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Bà Linh Nga Niê Kdăm chia sẻ: Chỉ nói về di sản phi vật thể được UNESCO công nhận, Đắk Lắk không chỉ có Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mà còn có Thực hành Then, Nghệ thuật Xòe Thái, Dân ca Quan họ Bắc Ninh và cả Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh. Trong quá trình cộng cư và phát triển, chủ thể của những di sản độc đáo và rực rỡ ấy đang ra sức gìn giữ, thực hành, phát huy trong đời sống hôm nay.

Cồng chiêng Tây Nguyên hòa điệu miền ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Minh Long
 

“Sức mạnh cố kết cộng đồng và quyền được biểu đạt văn hóa của mình từ những giá trị của di sản ấy là động lực to lớn thúc đẩy mục tiêu phát triển của mỗi cộng đồng dân tộc trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Ðại học Tây Nguyên) 

Ví như sinh hoạt và diễn tấu cồng chiêng của người Êđê, M’nông, J’rai, Xê đăng…, đến nay hầu như buôn làng nào cũng có và thực hành khá thường xuyên gắn với nhiều lễ hội truyền thống được cộng đồng phục dựng chân thật và toàn vẹn.

Thực hành Then, Xòe Thái, Dân ca Quan họ Bắc Ninh và cả Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh cũng đang được người Tày, Nùng, Thái, Kinh cư trú trên cao nguyên Đắk Lắk trình diễn và thể hiện hết sức sinh động trong những dịp lễ, Tết của mình.

Họ xem đó như một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa cộng đồng, dù ở bất kỳ nơi đâu thì những di sản sản ấy vẫn được gìn giữ, bảo tồn trong chiều sâu ý nghĩa lịch sử, nhân văn vốn có. Phải nói rằng tất cả đó là những “mảnh ghép” đầy màu sắc để vẽ nên bức tranh văn hóa đặc trưng, giàu bản sắc ở vùng đất này.

Điều đó ai cũng dễ dàng nhận ra thông qua những hoạt động thực hành văn hóa của mỗi một cộng đồng dân tộc, nhất là vào dịp lễ, Tết hằng năm. Ở đó những di sản văn hóa phi vật thể nói trên được tái hiện vô cùng sống động và đặc sắc. Những yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, nghi lễ và cả nghệ thuật trang phục, ẩm thực đều được các thành viên trong cộng đồng thực hành và biểu đạt nhằm cố kết sức mạnh nội tại của mình trước dòng chảy lịch sử. “Bản hợp xướng” văn hóa của 49 dân tộc anh em trên cao nguyên Đắk Lắk hiện ra và lan tỏa rõ nét nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Xòe Thái trên đất Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Tây Nguyên), đây vừa là ngày hội của mọi người, vừa là cách thức để mỗi một cộng đồng tưởng vọng về “biên niên sử” của dân tộc mình. Từ đó đề cao, vun đắp niềm tin và tự hào để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn vốn di sản của cha ông trước đời sống đương đại. Hơn thế, còn thúc đẩy và phát huy giá trị văn hóa ấy trở thành “sức mạnh mềm” phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong những năm qua, cứ nhìn những lễ hội tiêu biểu diễn ra trong dịp Tết cổ truyền thì biết di sản văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk được khơi dậy và lan tỏa như thế nào.

Có thể nói ở đó, một tập hợp các giá trị văn hóa của mỗi tộc người đã được trình diễn, giới thiệu một cách chân thật trong nhiều tầng nấc của đời sống tinh thần.

Ví như Ngày hội Văn hóa dân gian Việt Bắc (xã Ea Tam, huyện Krông Năng); Hội vật truyền thống Vụ Bổn (huyện Krông Pắc); Lễ hội Hảng Pồ của người Tày, Nùng (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ); Lễ hội Lồng Tồng của người Thái, Tày (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar); Lễ mừng cơm mới của người Xê Đăng (buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) và Lễ khai hạ của người Mường (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông)… đã cho thấy bức tranh văn hóa đa sắc màu được mỗi cộng đồng dân tộc khắc họa sâu đậm, đầy cảm xúc trên cao nguyên này.

Nhiều người nói một cách hình ảnh rằng, nếu như tất cả sắc màu ấy hiện ra trong một không gian/thời điểm nhất định, thì đó quả là “bản hợp xướng” vĩ đại nhất mà chỉ có vùng đất Đắk Lắk sở hữu được và từ đó cũng tạo sự khác biệt so với những vùng miền khác trên cả nước.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cho biên cương mãi xanh!
Vượt lên nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết quê hương, những người lính “quân hàm xanh” luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giữ bình yên biên giới quốc gia để nhân dân được vui Xuân, đón Tết an toàn.
Trang tin địa phương