Chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia xứ Quảng
Trong số 33 bảo vật quốc gia vừa được công nhận (đợt 13, năm 2024), tỉnh Quảng Nam có 4 hiện vật, nhóm hiện vật gồm: Bộ sưu tập trang sức vàng Lai Nghi, Hạt mã não hình thú Lai Nghi, Trống đồng Đông Sơn (Sưu tập Hoàng Long) và Thạp đồng Đông Sơn (Sưu tập Hoàng Long).
Bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi gồm 108 đơn vị hiện vật: 4 khuyên tai và 104 hạt chuỗi.
Nhóm hiện vật này phát hiện được trong cuộc khai quật khảo cổ ở khu mộ táng Lai Nghi thuộc khối 7B, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn (trước đây thuộc thôn 7b, xã Điện Nam) do Bảo tàng Quảng Nam phối hợp với các nhà khảo cổ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Khảo cổ học tại Born (Cộng hòa Liên bang Đức) khai quật từ năm 2002 đến 2004.
Bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi có niên đại từ thế kỷ 3 trước Công nguyên đến giữa thế kỷ 1. Đây là sưu tập hiện vật gốc, độc bản, độc đáo về tạo hình, điển hình, có niên đại xác thực, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng qua khai quật khảo cổ học, có giá trị lịch sử, văn hóa minh chứng đời sống văn hóa tinh thần rất đa dạng, phong phú của cư dân cổ Sa Huỳnh.
![]() |
Bốn khuyên tai và hạt chuỗi vàng phát hiện tại Lai Nghi. |
Hạt mã não hình thú Lai Nghi gồm hai hiện vật bằng đá mã não có niên đại từ thế kỷ 3 trước Công nguyên đến giữa thế kỷ 1: hạt chuỗi mã não khắc hình con chim nước và hạt chuỗi mã não khắc hình con hổ. Hai hiện vật này cũng được phát hiện từ cuộc khai quật khảo cổ ở khu mộ táng Lai Nghi từ năm 2002 đến 2004. Đây là hai tiêu bản duy nhất được phát hiện trong văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam. Kỹ thuật tạo hình tinh xảo, phức tạp và chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ của hai hiện vật này cho thấy sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và kỹ thuật cao. Chất liệu của hai hạt chuỗi này là đá Carnelian, loại đá được xem là một trong những loại đá quý có lịch sử lâu đời, kéo dài hàng nghìn năm. Hai hiện vật này có giá trị đặc biệt, được xem là bằng chứng cho sự tham gia của cư dân Đông Nam Á vào con đường tơ lụa hàng hải sớm.
Trống đồng Đông Sơn thuộc bộ sưu tập tư nhân của ông Lương Hoàng Long (trú tại khối phố Xuân Hoà, phường Cẩm Phô, TP. Hội An) được các đời trước trong gia đình lưu truyền lại. Trống được chế tác bằng đồng, nặng 13 kg, là loại trống Đông Sơn (còn được gọi trống đồng loại I theo phân định của học giả F. Heger), được các nhà khảo cổ học Việt Nam xếp vào nhóm A. Đây là hiện vật gốc, tương đối nguyên vẹn, không có dấu vết của việc sửa chữa, tu bổ. Trống có những hoa văn lần đầu mới gặp như linh vật hình con chồn có đuôi hoa xù, hoa văn miêu tả các công đoạn của tục hiến tế người và hiến tế bò… Trống đồng Hoàng Long rất có giá trị trong việc nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, góp phần dựng lại lịch sử cổ đại của đất nước từ kinh tế, xã hội, đời sống tinh thần của ông cha ta. Niên đại của trống từ thế kỷ 4 - thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 - thế kỷ 2.
Thạp đồng Đông Sơn cũng thuộc bộ sưu tập tư nhân của ông Lương Hoàng Long. Thạp được chế tác bằng đồng, nặng 13,6 kg. Đây là chiếc thạp đồng của cư dân văn hóa Đông Sơn với kỹ thuật đúc đồng điển hình của người thợ Đông Sơn là cách đúc bằng khuôn ba mang. Thạp có hình thức trang trí rất độc đáo và còn nguyên vẹn, hoa văn trang trí đẹp, có những hoa văn lần đầu các nhà khảo cổ học biết đến như hoa văn chiếc xiếm, hoa văn hình con công đang đứng trên lưng con rùa, hoa văn hình người đang ngồi trên trống đồng để đánh trống da, hoa văn người bị hiến tế đang bị giam trong khoang lầu hay bị nắm tóc để chuẩn bị hiến tế và 4 khối tượng miêu tả 4 con chó săn được tạo hình trên nắp thạp… Thạp đồng là tác phẩm mỹ thuật tuyệt mỹ, nói lên trình độ văn minh của cư dân Đông Sơn đã khá cao so với các cư dân Đông Nam Á đương thời. Niên đại của thạp đồng từ thế kỷ thứ 4 - thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 - thế kỷ 2.
![]() |
Thạp đồng Hoàng Long. |
Như vậy, với 4 bảo vật vừa mới được công nhận thì hiện nay Quảng Nam đang sở hữu 7 bảo vật quốc gia. 3 bảo vật quốc gia được công nhận trước đó là: Ekamukhalinga ở Mỹ Sơn (linga có hình đầu thần Siva) được công nhận năm 2015; Đầu tượng thần Siva được công nhận năm 2015 và Đài thờ Mỹ Sơn được công nhận năm 2021.
An Trường
Ý kiến bạn đọc