Multimedia Đọc Báo in

Điệu then giữa trời Đắk Lắk

08:08, 02/02/2025

Nhìn ở khía cạnh văn hóa, ta có cảm giác Tây Nguyên như vườn hoa của các dân tộc bản địa anh em M’nông, Êđê, J’rai, Bana, Xê Đăng…, rồi trong vài ba thập niên trở lại, có thêm những bông hoa tươi màu của núi rừng phía Bắc Tổ quốc.

Ấy là tôi nghĩ thế khi nhìn thấy biểu tượng cây đàn tính giữa núi rừng, suối reo, thác chảy tại Khu Du lịch Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng.

Thật tình cờ, trong chuyến đi thăm thú nước non Cao Bằng, trên Quốc lộ 3 đường đến thác Bản Giốc, tôi gặp bà Nông Thị Niên (65 tuổi, người dân tộc Tày) từ Đắk Lắk về thăm quê. Cùng chung chuyến xe buýt với tôi từ TP. Cao Bằng đi thác Bản Giốc, giữa đường bà Niên xuống Pò Tấu để dự đám cưới người cháu. Chuyện trò một lúc chúng tôi cùng nhắc đến làn điệu then.

Bà Niên kể: “Tôi từ quê ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vào định cư, lập nghiệp ở xã Xuân Phú (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) từ giữa những năm 1980, lúc còn thanh niên. Hồi đó chỉ có mấy hộ nhưng giờ đã thành xóm, thành thôn, nhà nào cũng con đàn cháu đống. Xưa nhớ quê hương, bản quán lắm nhưng giờ thì quen rồi. Quê mới giờ đông vui, như làn điệu then, cây đàn tính đã theo bước chân xa xứ mà cất lên giữa trời Đắk Lắk”.

Điệu then, đàn tính trên cao nguyên Đắk Lắk. Ảnh: Ánh Ngọc

Con đường từ thị trấn Trùng Khánh vào xã Phong Nậm thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng vòng vèo qua những dãy núi đá vôi, ruộng ngô, ruộng thuốc lá.

Thiên nhiên sắp đặt những cụm núi đá vôi, con sông Quây Sơn uốn lượn mềm như dải lụa, màu xanh cây cối nổi lên như những cù lao xanh, tất cả hiện ra kỳ vĩ và cuốn hút, rất điển hình cho bức tranh non nước vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Vùng núi non cảnh sắc như thế chắc chắn làn điệu then và tiếng đàn tính âm vang hơn, quyến rũ hơn.

Tại đây, cũng lại tình cờ tôi gặp ông Nông Văn Tiếp (68 tuổi, người dân tộc Tày). Ông là cựu binh thời kháng chiến chống Mỹ nhưng mới nhập ngũ, chưa đánh trận nào đã phục viên. Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 thì ông tái ngũ, ôm súng bảo vệ TP. Cao Bằng và thị trấn Trùng Khánh.

Ông Tiếp kể: Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, người dân Cao Bằng vào Tây Nguyên lập nghiệp khá đông. Bà con dòng họ ông Tiếp vào định cư ở huyện Krông Năng khá nhiều. Ông Tiếp phấn khởi: “Bây giờ đi lại dễ dàng, thuận tiện, năm nào tôi cũng vào Đắk Lắk một lần chơi thăm bà con”.

Tôi hỏi ông, vào thăm thấy cái gì ấn tượng nhất. Ông Tiếp nói: “Tôi thích nhất là bà con xa quê nhưng không mất gốc. Như làn điệu then và cây đàn tính vậy, theo chân người đi xa cả ngàn cây số…”.

Điệu then của người Tày, người Nùng, người Thái miền Tây Bắc, Đông Bắc của Tổ quốc thì đã quá nổi tiếng. Trong ngôn ngữ các dân tộc này thì “then” là biến âm của thiên, nghĩa là làn điệu, điệu hát trời cho, dâng trời. Tất nhiên, ban đầu then dùng trong những nghi lễ tâm linh, sau đó xâm nhập dần vào các lễ hội và cuối cùng trở thành hòn ngọc của văn hóa, văn nghệ dân gian, có mặt trong mọi hoạt động của đời sống. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, hát then và cây đàn tính là phần quan trọng nhất trong bản sắc văn hóa cộng đồng, đặc biệt với cư dân Tày - Nùng.

Trở lại với câu chuyện bà Nông Thị Niên. Bà Niên kể, cách đây mươi, mười lăm năm, khi đời sống ổn định, khá giả hơn thì những tâm hồn xa xứ muốn lưu giữ và bảo tồn văn hóa cội nguồn.

Ban đầu tự phát, những nhóm nhỏ lặn lội về quê đặt làm và mang những cây đàn tính vào Tây Nguyên. Người lớn tuổi biết hát then truyền dạy lại người khác, dạy lớp cháu con học hát. Cứ thế mà lan ra rộng khắp. Giờ thì các câu lạc bộ hát then có mặt khắp nơi, ngay cả trên mạng xã hội như Facebook.

Theo lời ông Nông Văn Tiếp, thế hệ kế tiếp sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, nghĩa là vào hàng con cháu của ông, nhiều người vẫn đam mê với văn hóa truyền thống, và chính họ tiếp nối giữ gìn dòng chảy văn hóa tiếp tục tuôn trào.

Như cậu cháu của ông Tiếp là Nông Văn Tân ở xã Dliê Ya (huyện Krông Năng), tuổi còn trẻ mà đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Tiếng tính quê hương, luyện hát, đàn, tham gia nhiều hội diễn lớn nhỏ, giành được nhiều giải thưởng tỉnh, huyện…

Các nghệ nhân biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật hát then - đàn tính TP. Buôn Ma Thuột lần thứ II năm 2024. Ảnh: Ánh Ngọc

Từ nhiều câu lạc bộ cấp xã, huyện, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Câu lạc bộ hát then - đàn tính thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh vào đầu năm 2024. Chủ nhiệm câu lạc bộ này là bà Luân Thị Liên, một nữ nghệ nhân sở hữu giọng hát then và ngón đàn tính điêu luyện có tiếng trong vùng.

Những gì đã là văn hóa, thuộc về văn hóa thì sẽ không dễ dàng tàn lụi, mất đi. Từ Cao Bằng xa xôi trên đỉnh bản đồ Tổ quốc, tôi lại nhớ về Đắk Lắk, nhớ về những lần được thưởng thức các tiết mục hát then, đàn tính ở cao nguyên bazan. Có điều gì thật ấm áp khi nghĩ về những cộng đồng dân tộc anh em cùng chung sống trên một vùng đất, cùng uống nước một nguồn suối và cùng chia sẻ những buồn vui, ấm lạnh đời người. Hãy thử hình dung đêm trăng giữa buôn làng hay bếp lửa hồng trong ngôi nhà, bên tiết mục đàn goong thủ thỉ ân tình của đồng bào Êđê tiếp nối với tiếng đàn tính tẩu gảy gót, thanh thoát của đồng bào Tày, Nùng… Bên những tiết mục giao duyên, tâm tình của ay ray, kư’ưt là những day dứt, thiết tha mặn nồng của làn điệu then.

Biểu diễn hát then, đàn tính và cồng chiêng. Một ở miền Đông Bắc, Tây Bắc nghìn trùng địa đầu Tổ quốc, một ở miền cao nguyên cách xa vời vợi. Cả hai đóa hoa tươi thắm trong vườn hoa chung các dân tộc anh em ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ phối ngẫu trong dàn giao hưởng giàu bản sắc của văn hóa Việt. Cả hai đều được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, là nét đẹp, độc đáo không phải nơi nào cũng có.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cho biên cương mãi xanh!
Vượt lên nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết quê hương, những người lính “quân hàm xanh” luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giữ bình yên biên giới quốc gia để nhân dân được vui Xuân, đón Tết an toàn.
Trang tin địa phương