Hội vật Vụ Bổn: Sắc màu văn hóa hội tụ
Những nét văn hóa đặc sắc, đặc trưng riêng của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) đã có dịp hội tụ, trình diễn, lan tỏa hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh khi đến đây du xuân, cổ vũ các đô vật tranh tài tại Hội vật Vụ Bổn được tổ chức vào Rằm tháng Giêng vừa qua…
“Đất lành chim đậu”- mảnh đất hiền hòa, bình dị, nằm ở vùng sâu của huyện Krông Pắc, được thành lập từ năm 1996 trở thành “mái nhà chung”, quê hương mới của 16 dân tộc anh em, chủ yếu là dân tộc H’Mông, Mường, Tày, Nùng, Kinh từ các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Giang vào lập nghiệp. Dứt ruột rời xa quê hương xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn, hành trang mà họ không quên mang theo khi đến với vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ là những điệu hát then trữ tình, điệu múa khèn với vũ đạo cuốn hút, những làn điệu quan họ đằm thắm, sâu lắng, thiết tha nghĩa tình… Chính nhờ đó đã góp phần làm phong phú bức tranh văn hóa đa màu sắc của các dân tộc anh em trên địa bàn xã Vụ Bổn nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
![]() |
Các liền anh, liền chị trình diễn quan họ ở hồ thôn Đoàn Kết, xã Vụ Bổn. |
Những nét văn hóa đặc trưng, không thể hòa lẫn, niềm tự hào của từng dân tộc ấy được người dân giới thiệu đến với du khách thập phương mỗi khi hội vật Vụ Bổn khai hội đầu năm. Theo đó cứ đúng vào dịp Tết Nguyên tiêu hằng năm, hội vật lại được tổ chức và đã trở thành một “điểm hẹn”, địa chỉ, sân chơi hấp dẫn để mỗi dân tộc có cơ hội quảng bá, làm lan tỏa những nét văn hóa truyền thống của mình.
Trước khi tiếng trống hội vật vang lên giục giã, những liền anh, liền chị thuộc Câu lạc bộ Quan họ xã Vụ Bổn duyên dáng, đằm thắm trong trang phục truyền thống cùng cất lên giai điệu trữ tình, du dương của ca khúc "Trẩy hội mùa xuân". Những ca từ cô đọng, đầy thi vị, ý nghĩa, như chất men, càng nghe càng thấm, hướng con người giao hòa với thiên nhiên, hòa mình vào dòng chảy của cội nguồn văn hóa cùng với niềm tin tưởng, kỳ vọng vào một năm mới với bao điều tốt đẹp sẽ đến. Theo ông Phạm Quang Thứ, thành viên của Câu lạc bộ Quan họ xã Vụ Bổn, thường ngày câu lạc bộ vẫn tổ chức sinh hoạt nhưng trong những dịp quan trọng này, mọi người tập luyện nghiêm túc, bài bản hơn, chuẩn bị trang phục truyền thống chỉn chu để trình diễn trong suốt thời gian diễn ra hội vật. Không gian trình diễn được chọn lựa, tổ chức ở bờ hồ thôn Đoàn Kết, tạo khung cảnh thi vị, níu kéo bước chân du khách không nỡ ra về ví như lời bài hát “Người ơi người ở đừng về” vậy!
Hòa vào giai điệu thiết tha của làn điệu dân ca quan họ, những "nghệ sĩ" không chuyên người Tày với tình yêu thiết tha văn hóa, truyền thống dân tộc mình, tạo sức hút với du khách qua màn trình diễn tiếng đàn tính, giọng hát then thánh thót. Chị Bế Thị Tiên, một nghệ nhân biểu diễn, giới thiệu tiếng đàn tính với du khách cho biết, dẫu công việc bộn bề song các thế hệ cha anh người Tày vẫn dành thời gian truyền dạy cho con cháu cách chơi đàn tính, những bài hát then quen thuộc để bảo tồn, gìn giữ truyền thống văn hóa, tránh bị mai một, bởi trong tâm thức của người Tày thì đàn tính được ví như là linh hồn, luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống, thể hiện, phản ánh một cách sinh động những cảm nhận, suy nghĩ của con người trước các hiện tượng tự nhiên; đồng thời qua đó họ biểu lộ tình cảm của họ với thiên nhiên, quê hương, đất nước.
![]() |
Điệu Múa hội xuân cuốn hút của các cô gái, chàng trai H'Mông tại ngày hội. |
Tạo nên một “điểm nhấn”, nét chấm phá độc đáo trong bức tranh đa văn hóa tại hội vật Vụ Bổn, các chàng trai, cô gái H'Mông mang đến những tiết mục múa dân gian vô cùng đặc sắc: Múa hội xuân. Trong tiếng khèn dồn dập, rộn rã, vui nhộn, các cô gái H’Mông duyên dáng xinh đẹp trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ cùng hòa vũ điệu theo tiếng khèn, như gửi gắm một thông điệp, hãy cứ tạm gác lại, quên đi những nhọc nhằn sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc và cùng ước nguyện một năm mới bình an, gắn kết tình bạn, tình yêu, tình làng xóm với nhau bền chặt hơn.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc