Multimedia Đọc Báo in

“Như dòng sông khao khát lời…”

08:08, 02/02/2025

Như dòng sông khao khát lời…” là ca từ trong ca khúc “Đi tìm lời ru mặt trời” của nhạc sĩ Y Phôn Ksơr.

Tôi nghĩ, dòng sông ấy chính là người nhạc sĩ, là những dòng sông của Tây Nguyên chảy tràn qua âm nhạc của anh. Nhưng trước hết đó là dòng sông Ea H’leo, quê hương nơi Y Phôn sinh ra, dưới chân ngọn núi Dliê Yang, vùng biên địa giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai.

Gần 30 năm quen biết, tôi luôn nhìn thấy ở người nhạc sĩ Êđê với đôi mắt mở to này một nỗi ưu tư về cội nguồn, về vùng đất Tây Nguyên, nơi anh khởi đầu và khẳng định tài năng âm nhạc. Nhân đây, cũng nói rằng, rất nhiều nhà báo, kể cả sách vở in ra giấy trắng, mực đen ghi sai họ tên anh. Anh từng tâm sự rằng họ của anh là Ksơr, họ gốc người Êđê thuộc nhánh Krung. Người J’rai cũng có họ gần giống vậy, họ Ksơr, điều này khiến nhiều người nhầm lẫn. Nếu ghi họ tên đầy đủ, chính xác của anh sẽ là Y Phôn Ksơr Êđê Krung, gọi tắt thì là Y Phôn Ksơr.

Sinh ra trong một gia đình có gien nghệ sĩ, cha anh là nghệ nhân đánh chiêng, mẹ anh thổi đing puốt hay nhất vùng, từ nhỏ Y Phôn đã biết đánh chiêng và thành thạo đàn goong. Nhưng mãi đến năm 1983, lúc 22 tuổi, nhờ năng khiếu anh mới trúng tuyển và theo học khóa I lớp thanh nhạc đầu tiên của Khoa Thanh nhạc, Trường Trung cấp chuyên nghiệp Văn hóa quần chúng Đắk Lắk. Học xong, anh lại trở về với cuộc sống nương rẫy. Cuộc đời cứ thế trôi đi, năm 1990, gần 30 tuổi Y Phôn Ksơr mới có được chân viên chức ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea H’leo. Đây là giai đoạn anh vật vã với chính mình, vài ca khúc được trình làng như “Lời ru mùa lúa” song nó vẫn chưa là Y Phôn Ksơr, không phải là Y Phôn Ksơr. Anh từng tâm sự, có cái gì đó trong tim mình, thổn thức lắm, say đắm lắm nhưng cứ lẩn khuất, vón cục mà mình chưa cầm nắm được.

Điều mà anh tìm kiếm rút cuộc đã đến. Năm 1992, ca khúc “Chim phí bay về cội nguồn” của Y Phôn Ksơr ra đời sau khi tham gia Trại sáng tác âm nhạc khu vực Tây Nguyên. Ca khúc được ca sĩ Y Jack Arul biểu diễn và đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Nghệ thuật toàn quốc năm 1993 ở TP. Hồ Chí Minh. Ca khúc với ca từ ngắn ngủi này có giai điệu ăm ắp hồn vía Tây Nguyên đã cho mọi người thấy một Y Phôn Ksơr lóe sáng cho hành trình nghệ thuật của một nhạc sĩ tài năng về sau.

Năm 1993, Y Phôn chuyển về công tác tại Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk. Và may mắn bởi tại đây bắt đầu một tình bạn Y Moan Ênuôl - Y Phôn Ksơr, một ca sĩ và một nhạc sĩ, hai tâm hồn Tây Nguyên đồng cảm, đồng điệu. Cố ca sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan Ênuôl là người đã gợi mở rất nhiều cho những sáng tác về sau của Y Phôn Ksơr và ngược lại, những ca khúc của Y Phôn Ksơr cũng đã chắp cánh cho giọng ca phiêu lãng để đời của Y Moan. Bằng chứng là năm 1994, ca khúc “Đi tìm lời ru mặt trời” của Y Phôn Ksơr đã nổi đình nổi đám, được ca sĩ Y Moan thổi hồn vào đó giành Huy chương Vàng Liên hoan Nghệ thuật chuyên nghiệp tại Đà Nẵng năm 1995. Tiếp đến là ca khúc “Đôi chân trần” sáng tác năm 1995, “Lời ru Tak Tar” sáng tác năm 1996 tiếp tục thành công vang dội với giọng ca Y Moan và nhiều ca sĩ khác ở Tây Nguyên. Với những ca khúc này, công chúng đã biết và yêu mến chàng nhạc sĩ của cao nguyên bazan, với những rung cảm khác lạ.

Y Phôn Ksơr không sáng tác nhiều. Nhưng mỗi ca khúc của anh đều “đóng đinh” trong lòng người hâm mộ. Ngoài những ca khúc đã kể trên, là các ca khúc: “Hoang sơ lời kể khan”, “Lời của mẹ ru”, “Cô gái trở về một mình”, “Chiếc gùi”, “Tak Tar đêm trăng”, “Hai dòng sông”, “Giọt mưa trắng”, “Cư M’gar, dấu chân qua”… Sở dĩ nói “đóng đinh” bởi sáng tác của Y Phôn như được viết ra từ máu thịt, thứ máu thịt của dân tộc Tây Nguyên với Tây Nguyên, yêu Tây Nguyên. Nó thấm đẫm chất dân ca của các làn điệu ayray, kư’ưt của người Êđê nhưng lại rất hiện đại. Nó rất cụ thể với chiếc gùi, đôi chân, mưa nắng nhưng lại huyền ảo với nữ thần Mặt trời, lời ru, đêm trăng và lời kể khan…

Công chúng yêu mến nhạc Y Phôn Ksơr bởi sự bay bổng của giai điệu dân ca Tây Nguyên lồng ghép trong những câu chuyện, hình ảnh, chi tiết xúc động, ám ảnh. Mỗi lần kể về nguồn gốc ra đời những ca khúc, Y Phôn đều rưng rưng niềm xúc động. Anh bảo, chỉ dấu sáng tác trong anh là độc đạo đến với cội nguồn. Như chính tên ca khúc được xem là đầu tay, đưa anh đến với công chúng, ca khúc “Chim phí bay về cội nguồn”. Chim phí chính là vật tổ (totem) dòng họ Ksơr, nhánh Krung của người Êđê. Theo truyền thuyết, loài chim thiêng này dù có bay lượn phương nào vẫn tìm cách gọi nhau về trú ngụ chỉ trên một loại cây cổ thụ ở rừng già. Sáng tác của Y Phôn cũng vậy, mỗi ca khúc như cánh chim phí, bay lượn và chỉ dừng đỗ ở phía xa xăm cội nguồn.

Năm 2004, Y Phôn theo học Khoa sáng tác tại Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Tốt nghiệp, anh quay trở lại cơ quan cũ và giữ chức Phó Trưởng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk. Anh được phong Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2019, chuyển công tác về làm Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk và nghỉ hưu vào năm 2021.

Một nhà văn, một nhà nghiên cứu từng nhận xét về các nghệ sĩ dân gian ở Tây Nguyên rằng, ở đó người ta không làm nghệ thuật, người ta sống với nó. Tôi nghĩ, nhận xét đó đúng với Y Phôn Ksơr, một nghệ sĩ dân gian đích thực của Tây Nguyên. Một nghệ sĩ mà trong hình dung của tôi, đi lang thang trên những ngả đường bụi đỏ của cao nguyên bazan. Với cây đàn goong trong tay, lãng tử Y Phôn Ksơr cho đến khi đầu bạc vẫn mải miết lần tìm cội nguồn theo dấu chim thiêng của dòng họ Ksơr.

Triều Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cho biên cương mãi xanh!
Vượt lên nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết quê hương, những người lính “quân hàm xanh” luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giữ bình yên biên giới quốc gia để nhân dân được vui Xuân, đón Tết an toàn.
Trang tin địa phương