Multimedia Đọc Báo in

Ao Lầy - Kỳ Thịnh, những ký ức không quên

15:52, 27/04/2025

Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Kỳ Thịnh (nay thuộc thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) có vị thế quân sự hết sức quan trọng do tiếp giáp nhiều xã, nhiều vùng, có thể hình thành thế trận liên hoàn áp sát địch.

Vì vậy, ta xây dựng căn cứ Ao Lầy - Kỳ Thịnh bố phòng nhiều tuyến mìn dài hàng trăm mét trên các gò đồi bao quanh các xóm dân cư để ngăn địch, có hàng chục công sự kiên cố cho du kích chốt giữ. Bên trong căn cứ được tổ chức thành một mạng lưới thông tin liên lạc, hậu cần nhân dân, tiếp tế lương thực, sẵn sàng phục vụ cho các đơn vị vũ trang đánh địch...

Sau Phong trào Đồng khởi 1960 - 1963 của đồng bào miền Nam, quân nguỵ lâm vào thế suy yếu. Để cứu vãn tình thế, Mỹ buộc phải trực tiếp đưa quân vào tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam, tiến hành cuộc “Chiến tranh cục bộ”. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi vào một giai đoạn cam go, ác liệt.

Ngày 7/8/1964, dưới sự chỉ đạo chung của Huyện ủy Bắc Tam Kỳ, nhân dân và các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn xã Kỳ Thịnh đã đồng loạt nổi dậy phối hợp từ nhiều mũi, nhiều hướng giải phóng hoàn toàn xã Kỳ Thịnh trong một ngày. Nhân đà thắng lợi, ta tiếp tục mở ra giải phóng thêm một số thôn ở các xã Kỳ Nghĩa, Kỳ Lý; buộc địch phải co cụm lại, lui về cố thủ tại nội thị và các vùng ven. Vùng giải phóng Kỳ Thịnh được hình thành làm cho khí thế cách mạng trong quần chúng nhân dân rất sôi nổi, mọi người đều hăng hái xung phong đảm nhận công tác của cách mạng giao.

Phù điêu ghi dấu chiến công tại di tích Ao Lầy - Kỳ Thịnh.

Sau giải phóng ít ngày, cơ quan Huyện ủy Bắc Tam Kỳ từ căn cứ Kỳ Trà đã chuyển địa điểm về Ao Lầy - Kỳ Thịnh. Dựa vào khí thế chung của toàn xã và toàn huyện, Kỳ Thịnh đã nhanh chóng xây dựng vùng giải phóng thành vùng căn cứ kháng chiến Ao Lầy – Kỳ Thịnh trên thế đứng hai chân, ba mũi giáp công, gấp rút xây dựng chính quyền cách mạng, phát triển đội ngũ du kích, đội quân tóc dài đấu tranh chính trị, binh vận và các đoàn thể cách mạng. Toàn xã Kỳ Thịnh đẩy mạnh phong trào nhân dân kháng chiến, toàn dân bố phòng chống địch, cải tiến chất nổ, đào hầm chiến đấu..., sẵn sàng chống địch lấn chiếm vùng giải phóng. Từ thời điểm này, Ao Lầy – Kỳ Thịnh trở thành trung tâm căn cứ địa cách mạng của huyện tại địa bàn các xã phía Tây huyện Bắc Tam Kỳ.

Địch dùng nhiều thủ đoạn thâm độc và tàn bạo hơn trước, kể cả dùng chất độc hóa học, phát quang cày ủi trắng vùng này; đồng thời tập trung lực lượng hùng hậu với nhiều loại phương tiện, vũ khí tối tân liên tục đánh phá và càn quét vào khu vực Ao Lầy –  Kỳ Thịnh. Nhân dân Kỳ Thịnh không chùn bước trước mưa bom, lửa đạn và những thủ đoạn đê hèn của quân thù, quyết tâm bám trụ, bảo vệ vững chắc căn cứ Ao Lầy – Kỳ Thịnh cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Trải qua những năm tháng chiến tranh đầy cam go, ác liệt, quân và dân ở căn cứ Ao Lầy - Kỳ Thịnh đã phối hợp đánh địch trên 600 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 1.200 tên, bắn cháy 51 xe quân sự, trong đó có 41 xe tăng, bắn rơi 7 máy bay các loại, diệt gọn 16 trung đội nghĩa quân, dân vệ và biệt lập, 1 trung đội lính Mỹ, 2 đoàn bình định, 1 đại đội biệt động quân và diệt 35 tên ác ôn...

Ghi nhận vai trò căn cứ Ao Lầy – Kỳ Thịnh trong kháng chiến chống Mỹ, ngày 21/7/2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã xếp hạng địa điểm này là di tích cấp tỉnh.

An Trường


Ý kiến bạn đọc