Hồi sinh đàn B’rôh
Goong (đàn) được chế tác từ tre nứa mộc mạc là nhạc cụ gần gũi và quen thuộc của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên.
Với người Êđê thì đàn B’rôh càng trở nên gắn bó trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Tuy nhiên, do đặc trưng về mặt âm thanh quá hạn chế, “ai đánh nấy nghe” nên đàn B’rôh không được phổ biến, thông dụng trong không gian diễn xướng rộng lớn và đa sắc màu cùng các loại nhạc cụ khác, từ truyền thống đến hiện đại.
Hạn chế này cũng đã khiến đàn B’rôh vắng mặt dần trong các buôn làng cũng như trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ đương đại.
![]() |
Đàn B’rôh cách điệu của nghệ sĩ Nguyễn Trường thu hút nhiều người yêu âm nhạc tìm đến học tập, trải nghiệm. |
Thầy giáo, nghệ sĩ Nguyễn Trường (nguyên giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk) lấy làm tiếc cho nhạc cụ truyền thống độc đáo ấy nên tự thân mày mò, nghiên cứu để cách điệu cho cây đàn B’rôh có “đất diễn” rộng rãi hơn trong đời sống hôm nay.
Anh chia sẻ: Từ cây đàn B’rôh truyền thống, bao gồm các bộ phận cấu thành (cần đàn, dây đàn, tay vặn, phím bấm và hộp cộng hưởng), mình đã cách điệu vài chi tiết để người chơi có thể tung hứng cảm xúc của mình như mong muốn. Trước hết là tìm cách khắc phục hạn chế về âm thanh bằng cách gắn thêm thiết bị điện tử vào hộp cộng hưởng để tiếng đàn ngân vang hơn; theo đó, nâng phím bấm từ 5 lên 7 (hoặc nhiều hơn) nhằm mở rộng hàng âm phong phú hơn; đồng thời mắc thêm dây đeo vào để dễ dàng di chuyển linh hoạt hơn trong lúc diễn tấu.
Với những cách điệu này, nghệ sĩ Nguyễn Trường cho rằng cây đàn B’rôh không còn bó buộc như xưa (là tự sự một mình, hoặc đệm theo điệu thức của sáo đing puốt trong những đêm hát kể sử thi lắng đọng); nhạc cụ này giờ đây đã có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, đủ sức hòa điệu cùng nhiều nhạc cụ khác trong mọi không gian diễn xướng. Điều quan trọng hơn là thanh âm của cây đàn B’rôh qua bàn tay sáng tạo của anh vẫn giữ được sắc thái mộc mạc của tre nứa tạo ra qua hộp cộng hưởng từ quả bầu khô dân dã.
![]() |
Nghệ sĩ Nguyễn Trường đam mê chế tác cây đàn B’rôh cách điệu của mình. |
Qua nhiều lần trình diễn đàn B’rôh cách điệu của nghệ sĩ Nguyễn Trường tại một số tụ điểm văn hóa trong và ngoài tỉnh, công chúng yêu âm nhạc thừa nhận đây là một thành công về mặt kế thừa và phát huy giá trị, bản sắc truyền thống đối với kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên - cây đàn B’rôh ấy đã đẩy biên độ cảm nhận, thưởng thức của người chơi lẫn người nghe đi xa hơn và phổ biến hơn trong đời sống đương đại.
Nói cách khác, nhạc cụ truyền thống độc đáo này đã hồi sinh trở lại trong sự đón nhận của mọi người nhờ yếu tố mới mẽ của nó - vừa thô mộc, khác lạ... vừa hiện đại và đại chúng hơn, góp phần đưa dòng chảy âm nhạc dân gian của các tộc người ở đây hòa nhập vào dòng chảy văn hóa Việt Nam.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc