Multimedia Đọc Báo in

Niềm hân hoan trước màu nắng Ba Đình

06:26, 30/08/2021

Nắng Ba Đình

 

Nắng Ba Đình mùa thu

Thắm vàng trên lăng Bác

Vẫn trong vắt bầu trời

Ngày Tuyên ngôn Độc lập.

 

Ta đi trên Quảng trường

Bâng khuâng như vẫn thấy

Nắng reo trên lễ đài

Có bàn tay Bác vẫy.

 

Ấm lòng ta biết mấy

Ánh mắt Bác nheo cười

Lồng lộng một vòm trời

Sau mái đầu của Bác...       

 Nguyễn Phan Hách

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Ảnh Internet
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Ảnh Internet

 

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách có nhiều bài thơ hay được bạn đọc nhớ và thuộc nằm lòng, trong đó có một số thi phẩm phổ thành những ca khúc nổi tiếng như “Làng quan họ quê tôi” (Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc từ bài thơ cùng tên), “Mối tình đầu” (Thế Duy phổ từ bài “Hoa sữa”)... “Nắng Ba Đình” ngắn gọn, kiệm lời nhưng lại là bài thơ hay nổi tiếng của Nguyễn Phan Hách, được đưa vào giảng dạy trong trường tiểu học suốt mấy chục năm qua. Bài thơ là tiếng lòng của thi sĩ nhưng lại được viết với một cảm quan và điểm nhìn khác hẳn - điểm nhìn từ hiện tại để nghĩ về đất nước, về mùa thu độc lập của Tổ quốc Việt Nam trong thời khắc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn nơi Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Bốn câu thơ mở đầu miêu tả vẻ đẹp của bức tranh mùa thu ở Quảng trường khi nhà thơ được viếng thăm lăng Bác. Màu nắng vàng thắm tươi lung linh ngời sáng. Thời gian và không gian dường như đồng hiện qua cái nhìn đầy tâm cảm và hoài niệm của thi nhân. Mùa thu về giữa lòng Thủ đô hôm nay vẫn như ngày nào có Bác, sao bỗng nghe một nỗi nhớ tràn đầy. Qua đó, nhà thơ gửi gắm tâm trạng bồi hồi, niềm xúc động thiêng liêng khi về đứng trước lăng Bác:

Nắng Ba Đình mùa thu

Thắm vàng trên lăng Bác

Vẫn trong vắt bầu trời

Ngày Tuyên ngôn Độc lập.

Cũng chính nơi này, vào mùa thu năm 1945, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Chính phủ lâm thời và toàn dân Việt Nam tuyên bố nền độc lập, mở ra một thời đại huy hoàng cho đất nước. Thời gian trôi qua, Bác Hồ đã về với “Mác - Lênin, thế giới người hiền” (Tố Hữu), nhưng mùa thu vẫn như dừng lại đó, khắc khoải, bồi hồi trong tưởng niệm miên man:

Ta đi trên Quảng trường

Bâng khuâng như vẫn thấy

Nắng reo trên lễ đài

Có bàn tay Bác vẫy.

Tâm trạng “bâng khuâng” khi đi trên Quảng trường của tác giả vừa diễn tả cảm xúc bồi hồi, nhớ thương vừa như lời nhắn nhủ với thế hệ tương lai phải biết nhớ về nguồn cội, nhớ ơn các đến thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu và hy sinh cho đất nước. Hình tượng “nắng reo trên lễ đài” như một khúc ca vui, gợi niềm hân hoan, vui sướng và tự hào của tác giả về quá khứ; đồng thời nhà thơ như trải lòng mình hoài tưởng về một thời khắc hào hùng, tráng lệ trong mùa thu khai quốc của thời đại Hồ Chí Minh.

Sau giây phút hoài niệm bồi hồi, nhà thơ Nguyễn Phan Hách diễn tả tâm trạng rất thật của lòng mình khi đi trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ánh mắt Bác Hồ “nheo cười” như mới ngày nào đọc bản Tuyên ngôn khiến nhà thơ ấm lòng biết mấy. Hình tượng một vòm trời lồng lộng giữa Thủ đô vàng nắng mùa thu là một ẩn dụ độc đáo, một phát hiện tương đồng với hình ảnh cao đẹp, vĩ đại của Hồ Chí Minh:

Ấm lòng ta biết mấy

Ánh mắt Bác nheo cười

Lồng lộng một vòm trời

Sau mái đầu của Bác...

Với thể thơ 5 chữ, âm điệu giàu nhạc tính, bài thơ Nắng Ba Đình của Nguyễn Phan Hách giúp mỗi chúng ta bồi dưỡng tình cảm cao đẹp khi hướng về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Qua đó, nhà thơ gửi gắm tấm lòng biết ơn của mình cũng như của muôn người dân nước Việt đối với Bác Hồ kính yêu.

An Đức

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Dũng sĩ sơ sinh
13:52, 29/08/2021
Ký ức chum sành
13:52, 29/08/2021
Chợ quê xưa
07:27, 29/08/2021
Tháng bảy mùa ngâu
08:42, 28/08/2021
Bỗng dưng
08:39, 28/08/2021
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.