Multimedia Đọc Báo in

Giới thiệu tác phẩm

Một tập thơ đậm đặc hồn dân tộc, giàu tính nhân văn (Đọc “Nơi bắt đầu lời nguyền” của Bùi Minh Vũ – NXB Hội Nhà văn, 2021)

08:20, 02/09/2021

Tập thơ “Nơi bắt đầu lời nguyền” của Bùi Minh Vũ có tới 128 bài, 160 trang in. Thơ tự do, không dễ đọc. Bù lại là hồn cốt của thơ, văn hóa Tây Nguyên đậm đặc để tìm hiểu lời nguyền làm nên bản sắc buôn làng.

Những nương rẫy, cây, đá, chim, thú, bến nước, vầng trăng, suối, rừng… xuất hiện với tần suất cao trong thơ, minh chứng thơ viết cho buôn làng, của buôn làng Tây Nguyên.

Chế độ mẫu hệ sản sinh ra Amí dẻo dai, vững chãi. Là một nửa cũng là tất cả. Bài “Amí” chỉ có bốn câu: Chiều một mình ở góc rừng thiêng/ Amí gùi nước lên triền dốc/ Ngẩng đầu hôn chùm nắng chói ngược/ Cúi đầu tay một vốc thiên nhiên. Thơ ngắn nhưng giới thiệu khá đầy đủ về Amí. Có rừng thiêng, có hồ nước, có triền dốc, có nắng chói. Amí vô tư, thanh thản mà vĩ đại. Hôn chùm nắng, tay một vốc thiên nhiên. Sáng tạo và lạ ở “vốc thiên nhiên” ấy. Công sinh thành, nuôi dưỡng không ai hiểu mẹ bằng con. Bài “Lắng nghe” có lối so sánh tiếng mẹ khi gọi con khá độc đáo: Ấm - tấm đắp; xanh – tán lá râm đường; thơm – trái ngọt. Trên rẫy – nghe từ trái tim. Tình mẫu tử lặn trong tâm cảm. Cô gái yêu mẹ vô cùng.

 

Bài “Bên bờ cỏ” cực ngắn chỉ có 17 âm tiết như lan tỏa tình yêu tha thiết. Cô đọng triết lí cho và nhận: Không có mắt anh/ Em chẳng dịu dàng/ Không có dáng em/ Anh thành đêm vô tận. Người con gái chỉ dịu dàng trong mắt chàng trai. Được nhìn ngắm đắm say để đẹp hơn, còn chàng trai thì thành đêm vô tận. Đêm chỉ là đêm đen đằng đẵng. Cả hai đều cần nhau. Cả hai đều cho và nhận. Triết lí ẩn sau câu chữ.

 “Tiếng đàn Brỗ” (thường gọi là Brố) - là đàn gọi tình, tỏ tình vào đêm trăng. Hẹn mà không gặp, Bùi Minh Vũ cảm nhận cảnh này: Đàn Brỗ không kêu/ Đàn Brỗ không rung/ Đàn Brỗ vỡ tung/ Em không đến/ Trăng đỏ như mào con gà trống/ Mổ vào tiếng đàn réo gọi đêm nay? Thất tình lên đỉnh điểm. So sánh cũng cực điểm: Trăng đỏ - mào gà trống; Mổ vào tiếng đàn – réo gọi.

Bài “Cây xanh” ngoài ý thức giữ rừng, bảo vệ rừng là lẽ đương nhiên, nghệ thuật tu từ đeo vào thơ sức nặng. Lấy cớ cây bị chặt để nhà thơ triển khai ý tưởng: Manh gỗ lô nhô như linh hồn phơi nắng/ Cây con bên cạnh không nơi nương tựa/ Ven suối lưng chừng bóng mát mồ côi. Lối so sánh độc và lạ nâng thơ lên: Manh gỗ - linh hồn phơi nắng; Cây con – bóng mát mồ côi. Quả thật, tôi đọc nhiều nhưng chưa thấy ai viết: linh hồn phơi nắng, bóng mát mồ côi như Bùi Minh Vũ.

Là người thường xuyên đi điền dã, hiểu phong tục và cả lời nói của người bản địa, nhà thơ đã vận dụng khá thành công.

Bài “Bên bếp lửa nhà dài” nói về uống rượu nhưng không chỉ là uống rượu. Rượu đong đầy sừng trâu: Uống ba sừng – trăng nghiêng/ uống năm sừng – trăng ngả/ Uống bảy sừng – mắt em liếc/ Đứt cần rượu rồi. Say rượu say trăng và đến độ cao trào là say mắt liếc: Dao cau kiên nhẫn à ơi. Đây là bài thơ tình cô đọng, có trăng, có mắt liếc có rượu sừng trâu để nhớ âm thanh ki pá của núi rừng. (Ki pá là sừng trâu).

Bài “Nói chuyện” có phát hiện thú vị: Chiêng nói bằng âm thanh nước; ché nói bằng cần rượu lửa; gùi nói bằng con cá quậy. Thơ ngắn nhưng cô đọng cả sinh hoạt cộng đồng và lao động hăng say để nâng lên thành quả: Xà gạc nói chuyện với em bằng màu xanh bò trên nương. Màu xanh nương rẫy được đổi bằng sự lao động cần cù. Tôi thích câu “màu xanh bò trên nương”. Thật vất vả và chăm chút. Chữ bò là sự tìm tòi sáng tạo. Trăng non là trăng thượng tuần, cong như dấu hỏi để Bùi Minh Vũ so sánh, cho cô gái tự hỏi lòng: Anh ở đâu, ở đâu?

Bài “Bến nước” dồn nén ẩn ức của nhà thơ. Có lẽ cũng là lời giải cho tập thơ mang tên: Nơi bắt đầu lời nguyền. Bến nước truyền nối bao thế hệ gắn bó với buôn làng. Bến nước là văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử, là mạch sống cộng đồng, là sức mạnh buôn làng, là kết nối yêu thương. Có nước mới có rẫy rừng, mới có sự sống kết nối. Bài thơ chỉ có hai khổ. Khổ đầu viết: Khi bến nước bị đút túi/ Tôi không tin/ Khi bến nước bay về trời/ Tôi vẫn đến. Khẳng định tâm lý và cả tâm trạng của tác giả. Bến nước bị đút túi thật lạ nhưng dễ liên tưởng việc bán đất, bán rừng (có bến nước), được cấp sổ đỏ. Bến nước bay về trời, bến nước không còn. Tác giả khẳng định: Tôi không tin, tôi vẫn đến, vì hoài niệm, vì tình yêu bến nước vẫn còn. Đến khổ thơ sau là những câu hỏi liên tiếp khi bến nước thực không còn nữa mà đã trườn vào sách vở. Bến nước ở đâu, đi đâu, về đâu? Kết thúc bài thơ là câu hỏi: Bến nước đâu rồi, tôi hỏi tôi. Câu hỏi xoáy vào lòng người đọc đòi hỏi gìn giữ bảo tồn bến nước ông bà.

Bùi Minh Vũ đã in hàng chục tập thơ. Nếu kể cả các loại khác thì anh là người được in sách nhiều nhất ở Đắk Lắk và cũng được nhận nhiều giải thưởng có giá trị, trong đó có giải thưởng của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam…

Quay lại với tập thơ mới nhất “Nơi bắt đầu lời nguyền”, mấy chục năm gắn bó với con người ở mảnh đất này đã dồn nén tình cảm, dồn nén tâm tư cho diện mạo tập thơ khá thành công, ghi nhận sức lao động bền bỉ, dẻo dai của nhà thơ Bùi Minh Vũ.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.