Multimedia Đọc Báo in

Tìm về bếp lửa nhà dài người Mạ

15:13, 25/09/2021

Ngày xưa ngôi nhà ấy thực sự là một nhà dài, dài đến bảy bếp, bảy hộ cùng cư trú. Hôm nay tôi đến, ngôi nhà ngắn lại chỉ còn một bếp trơ trọi. Bà chủ nhà người Mạ ngồi bên bếp lửa, dáng ngồi vẫn thế, nhẫn nại tước những sợi lác để đan chiếc sớp mới. Người đàn ông trầm tư ngắm nhìn những chiếc chiêng đồng trên vách và dàn chóe cổ trên sàn…

Nhà dài… như tiếng chiêng ngân

Hơn 20 năm trước tôi đã về với xứ Mạ này. Cái xứ Mạ từng cách biệt giữa đại ngàn ngày xưa, nay là xã nông thôn mới Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Nhớ ngày đó, trời ngả bóng sang chiều, vác ba lô bước lên đỉnh dốc, tôi mở tròn mắt về một thung lũng bằng phẳng giữa rừng già và thảng thốt nhận ra cảnh tượng rất lạ, đó là một buôn làng với những ngôi nhà dài. Những ngôi nhà rất dài nép tựa vào nhau như những bức tường thành uốn lượn giữa thung lũng. Ấn tượng đó cứ ám ảnh tôi mãi, luôn kéo bước chân trở lại buôn làng người Mạ mỗi lần có thể.

Hình ảnh thật đẹp. Giữa những thung lũng ngập tràn nắng gió, bất chợt những ngôi nhà dài, “dài như tiếng chiêng” giống mô tả trong trường ca Đam San. Rất bình dị, không có gì đặc biệt, nhưng mà gợi lên những xúc cảm và dòng suy tưởng cho người trải nghiệm. Trước mỗi cầu thang của ngôi nhà dài là những cụ ông ngồi trầm tư với tẩu thuốc nhẵn bóng trên tay. Cầu thang khác, những người đàn bà lúi húi nhặt rau cho bữa cơm chiều. Những chàng trai mang chiếc khèn m’bướt ra lau và vi vút thổi giai điệu đại ngàn. Những cô gái từ bến tắm về, vừa bước khoan thai lên bảy bậc cầu thang vừa giũ mái tóc chảy tràn như suối. Những đứa trẻ hồn nhiên với trò chơi rừng núi. Dưới gầm sàn, những con lợn ủn ỉn ụi đất và đàn gà lục tục gọi nhau…

Nhà dài truyền thống của người Mạ.

Đó là hình ảnh của 20 năm trước. Còn bây giờ, nhà dài dần vắng bóng. Tôi nghĩ, đời sống khác xưa nhiều, không gian sinh tồn và tập quán mưu sinh có nhiều biến đổi, sự mất dần những ngôi nhà dài có lẽ là điều tất yếu không thể cưỡng được.

Nhà dài… ngắn lại

Ngày tôi trở lại hôm nay, cộng đồng người Mạ ở Lộc Bắc chỉ còn lơ thơ vài ngôi nhà dài và mỗi ngôi nhà cũng chỉ còn vài ba bếp là cùng. Nguy cơ mất hẳn “văn hóa nhà dài” là điều thấy rõ.         

Cuộc sống hiện đại, xu thế gia đình gọn nhẹ, độc lập đã phổ biến tận các buôn làng người Mạ bây giờ. Một căn nhà lá hay một ngôi nhà bê tông cấp bốn chỉ dành cho một gia đình nhỏ được lớp trẻ tỏ ra hào hứng hơn là một gia đình con đàn cháu đống cùng sống trong một mái nhà hun hút không vách ngăn như cha ông họ xưa kia từng ở.

Nhà anh K’Hu ở buôn Bờ Lạch A là một trong những ngôi nhà dài còn giữ được nét ngăn nắp dù có sự “phối hợp” không mấy đẹp mắt giữa truyền thống và hiện đại. Nhà có ba bếp với 12 người sinh sống được chủ nhân dựng ngay phía sau căn nhà kiên cố bằng bê tông được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xây tặng bà con vùng căn cứ cách mạng. Ngôi nhà xây phía trước to rộng, khang trang nhưng gần như chỉ dùng để tiếp khách xa đến, mọi sinh hoạt của cả gia đình vẫn dồn hết vào nhà dài phía sau.

K’Hu giải thích: “Có nhà xây nhưng mẹ tôi vẫn bắt con cháu ở trong nhà dài vì cả đời bà đã sống với rừng, với nhà dài quen rồi.”

Nhà dài truyền thống của người Mạ.

Tôi ở lại với gia đình K’Hu để hiểu thêm nét sinh hoạt trong nhà dài người Mạ. Tôi ngắm từng chi tiết kiến trúc và bài trí: này bàn thờ thần linh, này bếp, này sàn ngủ, này cầu thang, này chóe, này chiêng. Trong khi tôi còn mải ngắm nghía ngôi nhà thì K’Hu đã kịp mang ra đặt giữa sàn chóe rượu cần thơm nức mùi hương lúa mẹ.

Bà mẹ già Ka Rìng của anh hút sâu cang rượu, rẩy những giọt đầu tiên với lời khấn Yàng. Câu chuyện cũng nở dần ra khi men rừng lâng lâng. Bà hàng xóm Ka Jang mới uống vài cang mà đã hứng khởi cất lên giai điệu N’rí quen thuộc: “Yàng pơcih tơ jơng lòt brơi. Yàng pơcih tờtơi lơh kòi. Yàng pơcih tờ yòi hỏi Yàng… Mi at gỡ ui jơng. Mi kơđơng gỡ ui tơi. Mi kơlơi gỡ nuih tồr…” (Yàng ghi ở bàn chân để con đi rừng. Yàng ghi ở bàn tay để con trồng lúa. Yàng ghi ở bờ môi để con ơn Yàng…Con cầm kỹ tấm choàng chân. Con vịn kỹ tấm choàng tay. Con giữ kỹ nếp nghĩ tấm lòng…”. Có gì nao nao như những dòng hồi ức đầy tiếc nuối về một thuở cao nguyên trong những lời ca ấy mà gợi cho Chủ tịch xã K’Tư cũng thêm những tâm sự. Vít cong cần rượu hút cạn hơi dài, ký ức ngây thơ trở về trong đáy mắt anh.

Đó là những sáng vào rừng hái măng, tìm mật, những chiều lên rẫy tuốt lúa, bẫy chim, những tối đốt đuốc bắt cá suối, cua núi. Những đêm cúng đất, cúng rừng. Làng buôn rộn ràng chiêng năm, chiêng ba và lời hát Lảh lông, Tầm pớt. K’Tư chưa quên ngày đầu đón người con gái buôn bên về ngôi nhà dài của mình làm vợ, anh đã hát lời yêu bên bếp lửa mới ngăn: “Em là chim N’tợp núp dưới cọng khoai môn. Đến làm người của anh mãi mãi. Em là con chim ngoài rẫy. Về ở với anh suốt đời…”.

Thế nhưng, ở Lộc Bắc không còn nhiều người nghĩ và làm như bà Ka Rìng, mẹ của K’Hu nữa. Cũng không nhiều người còn có cảm xúc nhớ về ngày xưa như Chủ tịch xã K’Tư. Lớp trẻ buôn làng bây giờ nghiêng về sự tiện ích nhiều hơn là bảo tồn bản sắc. Người Mạ tự làm mất nhà dài, cũng không thể trách họ được, khi mà đời sống có nhiều biến đổi. Những chiếc ô tô, xe máy, rồi tivi, tủ lạnh, những nương chè, những rẫy cà phê, những phát sinh mới về tâm lý thế hệ, về văn hóa ứng xử… đã tách những bếp lửa riêng tư ra khỏi những ngôi nhà dài mà cha ông họ từng kiến tạo và coi như báu vật của tộc người…   

Không biết những người Mạ xứ này có thấy nuối tiếc những ngôi nhà dài của dân tộc họ hay không nhưng tôi thì ngẩn ngơ như mình vừa bị mất đi một cái gì đó vô cùng quý giá khi trở lại triền thung lũng đại ngàn này. Ngôi nhà dài truyền thống là một không gian cư trú nhân văn và độc đáo, nó còn là nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa cổ xưa. Người già Mạ nói đúng, giữ cái nhà dài thì còn có nơi nuôi cái chóe, cái chiêng. Cái chóe, cái chiêng không thể sống trong những căn nhà xi măng, cốt sắt. Mất nhà dài cũng sẽ mất tiếng khèn M’bướt, mất tiếng chiêng năm, chiêng ba, mất những đêm đốt bếp lửa ấm rừng để người già ngồi kể Khan, hát câu N’rí giáo dưỡng cháu con, rồi trai gái còn hát giao duyên Yalyău, Tầmpớt…

Uông Thái Biểu
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.