Multimedia Đọc Báo in

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Thọ: Một đời ám ảnh “trắng đen”

17:45, 27/10/2021

Tôi đến nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Thọ (cuối đường Trần Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đang lúc anh chăm chú, tỉ mẩn chỉnh sửa, biên tập và trình bày tập sách ảnh, khoảng 100 tác phẩm để chuyển về TP. Hồ Chí Minh in và xuất bản vào cuối năm nay. Vì thế, một lần nữa tôi lại được thưởng lãm hầu như toàn bộ những tác phẩm ảnh nghệ thuật mà anh tâm huyết bỏ ra gần như cả đời để thực hiện.

Ảnh nghệ thuật của Đào Thọ hầu hết là trắng đen, chụp chân dung và những hoạt động đời thường của cư dân khắp mọi vùng miền trên cả nước, trong đó đặc biệt là Tây Nguyên, mảnh đất anh đã từng gắn bó gần nửa thế kỷ qua.

Nghệ sĩ tâm sự: Ảnh trắng đen đã “ám ảnh” bản thân từ khi bắt đầu cầm máy - và chỉ có trắng đen mới thể hiện được thần thái ảnh chân dung, vốn là sở trường của anh trong địa hạt nghệ thuật thứ tám này.

Quả đúng vậy, tôi cảm nhận ảnh trắng đen của Đào Thọ không giống bất kỳ nghệ sĩ nhiếp ảnh nào mà tôi từng thưởng lãm, kể cả những bậc lão làng và đã thành danh với màu nước cổ điển này như cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi… Nghệ thuật trắng đen của anh miết trơn mà dữ dội, tương phản mà hài hòa, phô diễn mà sâu lắng và bao trùm lên tất cả là đều mang lại cho người xem một thông điệp nào đó trong mỗi khoảnh khắc của đời sống mà người nghệ sĩ giàu kinh nghiệm và từng trải này “chụp bắt” được.

Tác phẩm "Tháng năm đời mẹ" của Đào Thọ.

Đào Thọ đến với nghệ thuật ánh sáng ấy từ một sinh kế hết sức đời thường - là nghề chụp ảnh để kiếm sống và nuôi vợ con vào những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ trước, trong tiệm ảnh có tên Quang Ảnh khá nổi tiếng ở Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ.

Anh tâm tình, chụp chân dung trắng đen cho khách hàng riết rồi tích lũy được bề dày kinh nghiệm quý giá trong môi trường này (môi trường chân dung) - từ góc máy, ánh sáng, bố cục, đường nét và quan trọng nhất là “ngôn ngữ của hình ảnh” qua từng sản phẩm/tác phẩm.

Đến năm 1979, anh tự tin mở hiệu ảnh riêng Photo Thọ trên đường Quang Trung, TP. Buôn Ma Thuột và thương hiệu “trắng đen Đào Thọ” nhanh chóng được khẳng định trong lòng khách hàng, cũng như những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh khi nghệ sĩ này trình làng một loạt ảnh chân dung trắng đen tại một số salon ảnh nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và cả nước.

Cùng với kinh nghiệm được tích lũy trong thời gian dài làm nghề, nhất là kỹ thuật buồng tối (như rửa, đảo phim nhiều lần) để cho ra những tấm phim dương bản trắng đen hoàn hảo, giàu sáng tạo phục vụ ý tưởng nghệ thuật của mình, Đào Thọ có những gặt hái thành công ban đầu khi bước chân vào sân chơi nghệ thuật ánh sáng này.

Năm 1991, tác phẩm “Tháng năm đời mẹ” đã mang về cho anh tấm Huy chương Đồng đầu tiên từ Liên hoan Ảnh Nghệ thuật toàn quốc được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Tiếp đó bức “Trăng tròn” đoạt Huy tượng Bạc tại Salon Ảnh nghệ thuật được FIAP tổ chức ở quốc đảo Singapore. Cũng từ những năm 1991 -1994, một loạt tác phẩm của anh đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan, triển lãm ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, Đào Thọ chia sẻ rằng, tất cả điều đó, kể cả danh hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, bản thân ít để tâm đến và cũng không quan trọng bằng sự ghi nhận của mọi người về nỗ lực sáng tạo của anh trên lĩnh vực nghệ thuật ánh sáng này - và hơn thế, anh còn được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến đặt cho cái tên “Thọ trắng đen”, hay “Ông vua trắng đen” của làng nhiếp ảnh Việt Nam đương đại.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Thọ chỉnh sửa những tác phẩm nghệ thuật của mình để xuất bản tập sách ảnh trắng đen mà cả đời anh theo đuổi

Nay đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe không cho phép anh “ngang dọc” như trước nữa, nhưng tâm huyết với nghề vẫn như xưa. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Thọ ấp ủ và kỳ vọng cuốn sách ảnh trắng đen của mình là chút gửi gắm cuối đời cho những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật này, nhất là lớp trẻ từng mến mộ anh và có ý hướng tiếp tục kế thừa, phát huy đường hướng sáng tạo ấy.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Giữa mùa gió bấc…
16:50, 26/10/2021
Mây sau nhà
15:32, 25/10/2021
Bình yên cho đời
15:31, 25/10/2021
Mẹ tôi
15:30, 25/10/2021
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.