Multimedia Đọc Báo in

Ngắm tranh qua ảnh

16:07, 27/11/2021

Chủ động thích ứng với tình hình mới vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vừa không làm gián đoạn các hoạt động chuyên ngành, Triển lãm Mỹ thuật “Mùa thu Cao nguyên” mở rộng năm 2021 đã được Trung tâm Văn hóa tỉnh ghi hình và phát trên nhiều nền tảng mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng.

Triển lãm có sự tham gia của 36 tác giả là hội viên Câu lạc bộ Mỹ thuật (Trung tâm Văn hóa tỉnh), hội viên Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học và Nghệ thuật tỉnh) và cộng tác viên chuyên ngành Mỹ thuật trên địa bàn tỉnh, với 68 tác phẩm thể hiện trên nhiều chất liệu như: in khắc gỗ màu, sơn dầu, sơn mài, acrylic... theo nhiều phong cách sáng tạo khác nhau.

Với chủ đề “Mùa thu Cao nguyên” các tác giả đã có những  góc nhìn mới mẻ, thể hiện sinh động về phong cảnh, con người, cảnh sinh hoạt hằng ngày của các dân tộc nơi đây, như: “Tháng Ba Tây Nguyên” của họa sĩ Trương Văn Linh, “Những cô gái Tây Nguyên” của tác giả Đỗ My, “Lễ hội” của tác giả Trịnh Khắc Tiệp… Bên cạnh đó, các tác phẩm với chủ đề phòng, chống dịch COVID-19 như “Tuyến đầu chống dịch COVID-19” của tác giả Trần Thị Đào, tranh cổ động “Chung tay đẩy lùi dịch COVID-19” của tác giả Phạm Xuân Quang… cũng trở thành điểm nhấn trong triển lãm. Điều đó cho thấy rằng, ngoài việc sáng tác theo các ý tưởng, xúc cảm của bản thân, thì các họa sĩ cũng rất quan tâm đến vấn đề thời sự.

Tác phẩm “Tuyến đầu chống dịch COVID-19” của tác giả Trần Thị Đào trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật “Mùa thu Cao nguyên” mở rộng năm 2021.

Hoạ sĩ Y Nhi Ksơr (Tổ thẩm định Triển lãm) cho hay: “Khi thẩm định tác phẩm, chúng tôi phân tích rất kỹ từ quy mô, chất liệu đến hình thức thể hiện và đánh giá rất cao về nội dung truyền tải của các tác phẩm trong kỳ triển lãm này, từ những vấn đề có tính thời sự như phòng, chống dịch COVID-19, đến các lĩnh vực văn hóa, công nông nghiệp, tình yêu thiên nhiên, con người, cuộc sống xã hội, đây là tín hiệu đáng mừng cho những người yêu hội họa”.

Triển lãm còn là dịp để đội ngũ họa sĩ, cộng tác viên chuyên ngành Mỹ thuật của tỉnh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, không ngừng nâng cao tính sáng tạo trong nghề nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động mỹ thuật phát triển. Bởi theo nhiều họa sĩ “lão làng” chia sẻ, triển lãm năm nay thu hút được nhiều hội viên trẻ, nhưng chất lượng vẫn khá cao, đặc biệt mỗi năm chất lượng nghệ thuật đều tăng lên. Từ triển lãm cũng đã khơi dậy tinh thần lạc quan, là nguồn động viên to lớn đối với các họa sĩ cùng nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch, góp phần làm phong phú, đa dạng đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong giai đoạn hiện nay.

Sau khi thực hiện ghi hình (không gian triển lãm, hình ảnh các tác phẩm cùng phần giới thiệu về tác giả, tác phẩm…), Triển lãm Mỹ thuật “Mùa thu Cao nguyên” đã được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube và trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Nhờ đó, dù ở bất kỳ đâu chỉ cần có thiết bị điện tử thông minh kết nối mạng Internet người dân có thể dễ dàng "tham quan" triển lãm trưng bày.

Không gian trưng bày các tác phẩm tại Triển lãm Mỹ thuật “Mùa thu Cao nguyên” mở rộng năm 2021.

Theo bà Trương Thị Ánh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh thì đây là triển lãm mỹ thuật đầu tiên được Trung tâm thực hiện theo hình thức trên, nhằm giới thiệu đến công chúng một cách thức tham quan trải nghiệm mới, phần nào giúp họ dễ dàng tiếp cận và hưởng thụ những tác phẩm nghệ thuật. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc chuyển đổi các hoạt động của đơn vị thông qua nhiều phương tiện, mạng xã hội để thích nghi với tình hình mới là rất cần thiết. Điều này không chỉ đa dạng hóa các hoạt động tương tác, trải nghiệm, mà góp phần tạo sự kết nối giữa Trung tâm Văn hóa tỉnh với công chúng.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức triển lãm online cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi trên thực tế, các họa sĩ và công chúng vẫn mong muốn được cảm nhận trực tiếp, tận mắt ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật để kết nối cảm xúc. Trên thực tế, ban đầu có thể cách làm này chỉ là giải pháp tạm thời, chưa thực sự hấp dẫn người xem. Nhưng thời gian qua, nhiều đơn vị trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng đã tổ chức nhiều triển lãm, sự kiện văn hóa trên nền tảng mạng xã hội, thông qua Facebook cá nhân, Fanpage vẫn đảm bảo được chất lượng, tính hấp dẫn và thu hút người xem như: triển lãm “Mạch nối” hay triển lãm mỹ thuật “Con đường độc lập” nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; trưng bày chuyên đề “Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên” của Bảo tàng Đắk Lắk…; chứng tỏ, đây là là xu hướng tất yếu trong mùa dịch.

Chính vì vậy, đơn vị nào muốn "đi đường dài" với hoạt động này thì buộc phải tìm cách thích nghi, cần có sự đầu tư mạnh mẽ cả về kỹ thuật lẫn nội dung thể hiện để có thể thu hút được người xem, tăng lượng tương tác, giúp các tác phẩm đến gần hơn với công chúng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.