Multimedia Đọc Báo in

Phú Quang với “nỗi buồn” từ thơ đến nhạc

16:56, 27/12/2021

Nhắc đến nhạc sĩ Phú Quang, người nghe thường nghĩ ngay đến những ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội.

Nhưng trong gia tài âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này có một bài hát hay và da diết, thâm trầm được phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - một thi nhân thành danh ở cố đô Huế, người quê Quảng Trị. Một bài hát không dành riêng cho thủ đô, cũng không nói gì về Hà Nội: Bài hát “Nỗi buồn”.

Cách đây gần 30 năm, khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (sống ở Huế) bị bạo bệnh tai biến, sau điều trị phải ngồi xe lăn, tôi đã đề xuất Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Quảng Trị làm bộ phim tài liệu về một nhà văn uyên bác và tài hoa này. Phim dài 30 phút có tựa đề: “Hoàng Phủ Ngọc Tường - ánh lửa đời người”.

Dịp chúng tôi làm phim, may mắn gặp được nhạc sĩ Phú Quang cũng đang ở Huế. Ông đang phổ nhạc bài thơ “Cỏ, chim sẻ và châu chấu” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nguyên văn bài thơ như sau :

1.

Có nhiều khi tôi quá buồn

Tôi ước mong về ngồi dưới cội cây xưa

Em có nhắn điều gì theo lá rụng

Ký ức nào khẽ động vai tôi

 

Dáng ai như tôi đi qua cánh đồng

Thu nhặt lại mình trên ngọn gió

Giống như con chim sẻ nọ

Thu về từng cọng vàng khô

2.

Có nhiều khi tôi quá buồn

Tôi ước mong chung quanh chỗ tôi ngồi

Mọc lên thật nhiều cây cỏ

Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá

Tôi gập người trên bóng tôi

Không nghe tiếng ai nói cười

Tôi còn ngồi chi đây một mình

Cắn móng tay từng ký ức mong manh

Giống như con châu chấu nọ

Gặm hoài lá cỏ xanh.

Bài thơ như một khúc đồng dao cho người lớn tuổi và từng trải. Nhạc sĩ Phú Quang lúc ấy tâm sự rằng, chính vì đồng cảm với thi nhân về quan điểm “ngôi nhà đích thực của nhà thơ là chính nỗi buồn” nên đã chọn bài thơ này để phổ nhạc và đặt lại tên cho ca khúc là “Nỗi buồn”. Và trong quá trình hình thành ca khúc, ca từ không thể giữ nguyên như trong bài thơ, có câu nguyên vẹn, có câu hơi khác, được sắp xếp gọn lại theo ý tưởng sáng tạo lần nữa của người nhạc sĩ, nhưng lắng nghe thì vẫn thấy thấm thía một nỗi buồn như đã hoài thai từ tiền kiếp, ấy là một nỗi buồn thanh lọc và tinh khiết. Mỗi khi hát lên thổn thức phận người.

Lời bài hát như sau:

Có nhiều khi tôi quá buồn

Tôi ước  mơ tìm về dưới gốc cây xưa

Em có gửi điều gì theo lá rụng

Nỗi đau nào đậu khẽ vào tôi.

 

Bóng ai như tôi đi qua cánh đồng

Bóng ai như tôi đi qua cõi đời

Nhặt lại mình trên ngọn gió

Giống như con chim sẻ nọ

Tha về từng cọng vàng khô.

 

Có nhiều khi tôi quá buồn

Tôi ước mơ quanh chỗ tôi ngồi mọc lên nhiều cây cỏ

Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá?

Tôi gục đầu trên bóng tôi.

 

Không còn nghe

Không còn nghe ai nói cười

Tôi còn ngồi chi đây một mình

Từng ý nghĩ mong manh.

 

Không còn nghe

Không còn nghe ai nói cười

Tôi còn ngồi chi đây một mình

Từng ý nghĩ mong manh.

Chúng tôi bố trí một trường đoạn quay nhạc sĩ ngồi chơi dương cầm và tâm sự “Nỗi buồn”... Người nhạc sĩ ngồi trầm tư thong thả dạo đàn rồi bất chợt hát lên tiếng lòng bằng giai điệu nhẹ nhàng, gần gũi mà xa vắng, u buồn và sang trọng, rồi thăng hoa dường như quên bẵng xung quanh. Một lãng tử hào hoa đang hóa thân vào âm nhạc. Phim lại quay tiếp cảnh nhà văn đi về phía thanh âm bằng chiếc xe lăn số phận...

Bây giờ thì người hát rong đã bay đi cõi khác, để lại những người yêu quý âm nhạc hào hoa của ông với bao tiếc nhớ, ngậm ngùi: “Có nhiều khi tôi quá buồn/ Tôi ước mơ tìm về dưới gốc cây xưa”. Dường như có một sứ mệnh và cũng là định mệnh thi ca mang vác và nâng niu những nỗi buồn thanh cao trong suốt phận người.

Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Phong thư mùa cũ
16:55, 27/12/2021
Hơi ấm mùa đông
11:49, 26/12/2021
Phía quỳ hoa
11:47, 26/12/2021
(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.