Thế giới hồn nhiên của “Tuổi chuồn chuồn”
Nhà thơ Đỗ Toàn Diện say mê thơ từ sớm, thử sức nhiều thể loại. Viết cả thơ trữ tình, thơ châm biếm nhưng thành công hơn cả là thơ thiếu nhi.
Tháng 5/2021 anh trình làng tập thơ “Tuổi chuồn chuồn” mang dấu ấn riêng để tặng cho tuổi thơ. Tập thơ gồm 50 bài với 120 trang in đã phần nào đồng cảm với lứa tuổi thần tiên từ mẫu giáo đến học sinh tiểu học.
Bài “Bóng điện làm xiếc” mang cảm nhận trẻ con vui vui: Chúc đầu xuống đất/ Mở mắt sáng lòa/ Bóng đen biến mất/ Núp sau lưng bà. Phải là người yêu trẻ, đồng cảm liên thông mới viết được như vậy.
Bài “Na mở mắt” lấy hình tượng quả na để quan sát sự vật xung quanh, cảm nhận cuộc sống tươi đẹp. Tuổi thơ ưa tìm hiểu để yêu và để hiểu. Mở mắt để thấy các việc: Chim sâu mải miết bắt sâu, thấy giàn trầu, cây bồ kết, hoa hồng, hoa cúc, đàn gà theo mẹ để đi đến kết luận: Ôi! Khu vườn thần tiên/ Đi lạc vào cổ tích/ Lần đầu na mở mắt/ Cứ ngỡ mình nằm mơ.
Quan sát để hiểu thấu đáo sự vật, nhà thơ viết bài “Chim bói cá”, chim đứng hàng giờ để rình bắt mồi: Chú chim bói cá/ Đức tính kiên trì/ Cần mẫn chăm chỉ/ Như nhà tiên tri. Chim bói cá bất động để cá không biết đến sự có mặt của mình. So sánh chim bói cá với nhà tiên tri là chính xác.
Quan sát sự vật hiện tượng, trong đầu các bé thơ đặt ra bao câu hỏi để khám phá thế giới, tìm hiểu thế giới. “Râu ngô” là bài hay về suy nghĩ của tuổi mẫu giáo: Mới vài tháng, ngô đã có râu. Lạ nữa: Còn bé râu đã bạc, khi già râu lại đen khác hẳn với người, khác hẳn những gì bé biết về người: Người trưởng thành râu đen/ Khi già râu bạc trắng/ Ngô và người khác lắm. Khám phá tự nhiên là thế, khoa học là thế, gần gũi với trẻ là thế. Thơ Đỗ Toàn Diện đã làm được.
Bài “Cổ thụ” viết về cây chò ngàn tuổi, chứng kiến sự biến thiên của lịch sử: Che cả một vùng/ Cháu con đông đúc/ Luôn luôn đoàn kết/ Sống quanh thân chò. Bài học đoàn kết là sức mạnh được truyền tải nhẹ nhàng mà sâu sắc: Dù cho bão tố/ Chẳng hề âu lo/ Cây chò lừng lững/ Với sao đo trời. Hiên ngang bền bỉ. Với sao đo trời hay và khí thế!
Bài “Sông Hương” có hình ảnh đẹp, hiền hòa thơ mộng giữa kinh thành Huế. Sông Hương cũng là sông Thơm đồng nghĩa: Thuyền ghe tấp nập/ Bơi vào trời xanh/ Sông Hương thơm nức/ Chảy nghiêng bên trời. Là những câu hay, mang cảm nhận của tuổi thơ khi đến với Huế thơ, Huế mộng.
Bài thơ “Chim bắt cô trói cột” kể lại sự tích của loài chim đầy lòng thương cảm; sự tích này nhiều người biết, được lược thuật bằng thơ nên cảm động. Cô bé chăn trâu cho phú ông để mất một con nên phú ông đem cô vào rừng trói lại. Cô chết biến thành chim kêu khóc thành tiếng bắt cô trói cột. Gián tiếp lên án chế độ bất công ngày xưa, người tầng lớp dưới bị chà đạp: Hóa con chim khóc thảm thê/Bắt cô trói cột ủ ê suốt đời/Bắt cô trói cột tàn hơi/Đêm đêm chim khóc đầy trời tang thương
Bài “Tàu hải quân” viết về chiến sĩ hải quân canh giữ biển trời qua lăng kính tuổi thơ: Tàu như ngựa chiến/ Cưỡi sóng trùng khơi/ Tàu như vầng trăng/ Bơi trên mặt biển. Có gian nan nhưng lại lãng mạn trong tâm hồn tuổi thơ khi so sánh tàu với ngựa chiến, với vầng trăng.
Bài thơ mở đầu lấy tên chung cho tập “Tuổi chuồn chuồn” là điển hình giới thiệu chung cho tuổi thơ. Tuổi thơ mê say, tuổi thơ vụng dại, tuổi thơ khám phá. Có nhiều kỷ niệm với chuồn chuồn, với tuổi chuồn chuồn: Chuồn chuồn đuổi bắt tuổi thơ/Chang chang đội nắng… dại khờ đen da. Hay cho câu "đuổi bắt tuổi thơ", gắn bó với chuồn chuồn, với người không phải đuổi bắt chuồn chuồn mà chuồn chuồn đuổi bắt mình trong nắng hạ cháy da. Rồi cho chuồn chuồn cắn rốn để mau chóng biết bơi chẳng biết có từ bao giờ nhưng đứa trẻ lại tin là thật rồi câu ca dao dự báo thời tiết khi nhìn chuồn chuồn bay lượn.
Hữu Chỉnh
Không thể không nói đến những tranh, ảnh minh họa cho mỗi bài thơ rất phù hợp mà nhà thơ đã cố công sưu tầm để tập thơ càng duyên dáng giúp trẻ em thêm yêu tập sách này.
Tôi tin tập thơ đi vào lòng người, nhất là với thiếu nhi khi nhà thơ sử dụng thơ bốn chữ, năm chữ là chính, có xen kẽ đôi bài lục bát. Thơ không cầu kỳ, dễ nhớ, dễ thuộc, đáng trân trọng.
Ý kiến bạn đọc