Multimedia Đọc Báo in

Đêm thơ trên cao nguyên

08:39, 20/02/2022

Sau 2 năm lỗi hẹn vì ảnh hưởng của dịch COVID -19, văn nghệ sĩ, người yêu thơ Đắk Lắk đã được sống lại cảm xúc trong đêm thơ – nhạc với chủ đề “Hãy sống và hy vọng”, do Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp tổ chức tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột.

Đây là một hoạt động nằm trong “Ngày Thơ Việt Nam” lần thứ XX năm 2022 tại Đắk Lắk. Nhân dịp này, giới yêu thơ tỉnh nhà đã có dịp họp mặt, giao lưu và thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc cùng những vần thơ đầy xúc cảm. Xuyên suốt chương trình, khán giả được hòa mình trong không gian sâu lắng, tinh tế qua phần ngâm thơ, đan xen hát múa và nền nhạc trầm bổng, do các nhà thơ, văn nghệ sĩ thể hiện. Các tác phẩm thơ được sắp xếp liền mạch, tạo thành một sự xuyên suốt, thể hiện các mặt của đời sống, là tình yêu quê hương, đất nước, lứa đôi, là tâm tư tình cảm, ước vọng…

Một đêm thơ - nhạc rất thu hút. Ảnh: Hội VHNT Đắk Lắk

Mở đầu “kể chuyện” Tây Nguyên bằng thơ, nhà thơ Hữu Chỉnh (nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk) thể hiện tình yêu da diết của một người gắn bó với Đắk Lắk gần 60 năm qua: “Mỗi cánh rừng giấu một sử thi/ Mỗi sông suối ẩn một câu chuyện cổ/Tiếng gió reo là đại ngàn đang thở/ Mang tin yêu gửi đến muôn đời” (bài thơ “Miền đất tôi yêu”). Tiếp nối mạch nguồn cảm xúc dâng tràn trong chùm thơ về một Tây Nguyên huyền thoại, từ xanh thẳm đại ngàn xa xưa,  đến tươi đẹp phát triển của hôm nay… Và rồi là những tâm sự về thơ, về đời của chính các nhà thơ với nội dung “Nhà thơ và ước vọng cùng thơ” qua các tác phẩm “Thơ hay là một cái gì đó” của nhà thơ Lê Vĩnh Tài; “Đêm một phía hoàng mai” của Vũ Dy, “Vô ngôn” của nhà thơ Nguyễn Man Kim… Sau cùng, đó chính là khát vọng mùa xuân hướng về một mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng, đúng như chủ đề của năm nay “Hãy sống và hy vọng”.

Với đông đảo khán giả, có lẽ ấn tượng nhất trong đêm thơ - nhạc vẫn là những ca khúc được phổ từ thơ ngân nga sâu lắng, như tác phẩm: “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”, thơ Hữu Chỉnh, nhạc Vũ Thiết; “Nhớ em”, thơ Nguyễn Thượng Hải, nhạc Nguyễn Văn Hải; “À ơi”, thơ Trần Thị Uyên, nhạc Dương Tấn Bình... Thông qua tiếng hát của các nghệ sĩ cùng những câu chuyện gắn liền với mỗi tác phẩm đều mang đến cho khán giả xúc cảm khó quên.

Đơn cử như bài thơ “Cao nguyên mùa xuân về” của tác giả Trịnh Vĩnh Phú: “Cao nguyên mùa xuân về/ Cô gái Êđê ngồi bên khung cửa/Ngắm cánh mai vàng, dịu dàng đón xuân sang/Chàng trai say mê bên ché rượu đầy, cho đêm ngất ngây...”, đã được nhạc sĩ Quang Dũng phổ nhạc và trở thành một bài hát được nhiều người yêu thích, nhất là mỗi độ xuân về. Nhạc sĩ Quang Dũng cho hay, ngay khi đọc bài thơ này trên tạp chí ông đã xin phép tác giả phổ nhạc và chỉ 4 tiếng là hoàn thiện bởi vì chất thơ, tình cảm và sự rung động mà bài thơ mang lại.

Một tiết mục tại đêm thơ - nhạc.

Hay với ca khúc “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” thơ Hữu Chỉnh, nhạc Vũ Thiết; kể về câu chuyện trong gần 30 năm qua, câu hát quan họ đã theo bước những con người Kinh Bắc (tỉnh Bắc Giang – Bắc Ninh ngày nay) đặt chân lên mảnh đất Ea Tóh, huyện Krông Năng; giúp họ vượt qua khó khăn, gian khổ để xây dựng cuộc sống ấm no trên vùng đất Tây Nguyên.

Đêm thơ - nhạc chủ đề “Hãy sống và hy vọng” khép lại trong cảm xúc dâng trào giữa các nhà thơ, các nghệ sĩ và những người yêu thơ. Đây là một sân chơi nghệ thuật đầy ý nghĩa, tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ giữa các tác giả và những người yêu thơ. Hơn hết, sự tôn vinh thành tựu thơ và cùng nhau tạo dựng nên một đêm thơ - nhạc đong đầy cảm xúc chính là bước đệm để các tác giả có thêm động lực trong sáng tác, cống hiến, mang đến nhiều hơn nữa những tác phẩm hay, có ý nghĩa đến với công chúng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm