Multimedia Đọc Báo in

Nét riêng Hồ Hồng Lĩnh trong “Đi qua ngày nắng”

07:57, 17/04/2022

“Đi qua ngày nắng” (NXB Hội Nhà văn, 2018) là tập thơ thứ ba trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh sau các tập “Quá giang” và “Sang mùa”, tác phẩm được tặng Giải A - Giải thưởng Chư Yang Sin lần thứ III (2016 - 2020).

Đây là những rung động, những trăn trở, suy tư và hoài niệm của nhà thơ về cuộc sống gắn với những sự kiện xã hội, hiện tượng thiên nhiên, những vùng đất và con người trên dặm dài năm tháng mà anh đã đi qua.

 

Hồ Hồng Lĩnh đi nhiều nơi, thăm thú nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh. Ở đâu anh cũng tìm tòi, phát hiện và cảm xúc những điều mới mẻ. Về Cần Thơ - đất miền Tây trù phú với cảnh đẹp người xinh, sông nước mênh mang hữu tình, nhà thơ không quên gợi nhớ về những chí sĩ năm xưa ngâm thơ và đánh Pháp: “về Phong Điền nghe bút thơ Phan Văn Trị chiến/ vẫn hùng hồn xuyên thủng thời gian/ một trận đánh Ông Hào như đẫm hồn non nước”. Anh gợi liên tưởng về sự nổi nênh của những phận người khuất sau vẻ đẹp thơ mộng duyên dáng của Tây Đô: “những phần thênh thang những phần len tối/ bạt ngàn mật điển mà chim sáo dạt trời xa” (Về Cần Thơ). Nhà thơ ngây ngất trước vẻ đẹp trẻ trung, hiện đại của Sài Gòn, một thành phố lớn phương Nam năng động, hối hả rộn ràng nhịp sống. Anh phát hiện những nét tương phản khá đặc trưng của thành phố này: “Sài Gòn cao sang/ Sài Gòn dân dã/…/ Sài Gòn buồn vui hai mặt/ thành phố giấc ban trưa/ thành phố ớn lạnh triều dâng mưa ngập” (Với Sài Gòn). Trong cái nhìn đa tình của thi sĩ, thác Thủy Tiên (Đắk Lắk) đã trở thành nàng tiên nữ bước ra từ cổ tích, đồng cảm với tâm tư của người thơ: “Em ngủ trong rừng sâu/ thơ đọc ròng/ không nhớ tuổi/ nỗi buồn có cớ mà đau” (Về đâu… Thủy Tiên).

Thăm những thắng cảnh thiên nhiên hay những địa danh văn hóa, Hồ Hồng Lĩnh thường để tâm quan sát những hiện tượng bất thường đang âm thầm diễn ra dưới sự tác động của xã hội hay biến đổi khí hậu. Trong lúc khách thập phương vui thú với cảnh lạ hồ Lắk, nhà thơ lại phát hiện những thay đổi đáng buồn: “Chái nhà sàn hỗn độn mộc và xây/ không thấy em gái M’nông chằm sợi ngang sợi dọc/…/ cổ thụ cô đơn không bóng bầy đàn/ Trưa hồ Lắk/ mấy ông voi nhà/ bì bõm/ cho người/ nặng gánh áo cơm” (Trưa hồ Lắk). Đến thác Dray Nur, nhà thơ gợi những liên tưởng thú vị, biến con thác thiên nhiên trở thành một sinh thể có hồn, mang nỗi đau quặn thắt nhân tình: “Con sông chia đôi sau cơ nhỡ cuộc tình/ tiếng khóc thành hai con thác/ Dray Nur thác vợ” (Dray Nur hôm nay). Nhưng thật bất ngờ khi tác giả “không khóc cho câu chuyện tình buồn của người đã lùi vào thiên cổ”“khóc cho yết hầu mùa khô dòng sông quắt quay đói khát/ khóc cho trống vắng rừng già không khớp nổi với Trường Sơn hùng vĩ/ khóc cho dã thú, hoang cầm không bói thấy/ chiêng cái không tấu khúc với quần thể bầy đàn”. Trong bài thơ “Lời than của mây núi”, tác giả mượn lời của “mây” và “núi” để thể hiện hình ảnh thiên nhiên trong sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại đã gợi lên nỗi đau buốt nhói cõi lòng. Quá khứ là hình ảnh đẹp, đầy sức sống, phồn thực và quyến rũ: “đất và cây hoa và lá/ rây rây vùi hương mật/ chưng chưng một màn hoang dã/ voi kín đàn ngựa hoang đuổi nhau tiết dục/ dòng sông ung dung phát sáng/ tênh hênh mặt trời trễ giấc/ mây núi triền miên ngoại tình mê dại” còn hiện tại là khô kiệt, lụi tàn: “buổi rày/ đục ngàu/ dòng sông khóc ròng/ với đáy/ gương xưa”.

Thơ Hồ Hồng Lĩnh thấm đẫm tình người, trước hết là sự đồng cảm, sẻ chia với những số phận cay cực, những người lao động vất vả. Anh xót xa, thương cảm với dải đất miền Trung phải chịu thiên tai tàn phá, nhất là mùa mưa lũ hằng năm: “những ngày mây đánh úp gã mặt trời/ ngụp lặn cánh cò, ngụp lặn học trò/ ngụp lặn ngư dân/ câu hát gãy đôi hoa thúi cuống chưng mùi/ rình rập tang thương rình rập cướp nụ cười” (Im lặng trước miền Trung). Nghĩ về đấng sinh thành, nhà thơ dành những tình cảm yêu thương, trân trọng biết ơn với những hy sinh thầm lặng của người mẹ: “suốt một đời còng lưng xây tổ”, “suốt một đời làm hạt nắng nuôi con”. 

Hồ Hồng Lĩnh sử dụng bút pháp hiện thực trữ tình nhưng không có giọng điệu dạt dào sôi nổi, thiết tha, rạo rực thường thấy trong thơ cảm hứng trữ tình. Giọng điệu trong thơ anh trầm buồn, lắng đọng giàu chất suy tư, chiêm nghiệm lẽ đời. Người đọc thường gặp những liên tưởng mang màu sắc siêu thực khá thú vị: “ta cùng ta ngược về miền ký ức/ thấp thoáng cánh cò/ năm tháng vẫn chưa thôi lặn lội” (Cuối chạp); “em đến rồi như reo tiếng nhạc/ bông cúc ngẩng một nụ cười như không có thực/ nét dịu hiền đánh thức trái tim đau/ mắt nghiêng, lời em lời gió/ con đò chiều và khúc sông xanh” (Lời nào cho em),… Thơ Hồ Hồng Lĩnh có nét tự do, phóng túng từ thể thơ, ngôn từ, sử dụng linh hoạt những thể thơ tự do, có cả những bài lục bát cách tân, thơ ít vần nhưng giàu nhịp điệu, những cách diễn đạt mới, dùng từ ngữ, hình ảnh mới lạ, táo bạo.

Nhìn chung, “Đi qua ngày nắng” là một đóng góp có ý nghĩa của Hồ Hồng Lĩnh đối với thơ ca Đắk Lắk đương đại. Yêu thiên nhiên, quê hương đất nước, yêu con người và cuộc sống, trân trọng những giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống là những tình cảm đẹp của Hồ Hồng Lĩnh thể hiện trong thơ.

Nguyễn Phương Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.