Multimedia Đọc Báo in

“Hồi sinh”- bài ca tình yêu cuộc sống

06:44, 03/04/2022

Thành công ở lĩnh vực viết trường ca, sau “Ngang qua bình minh” (2020) về chủ quyền biển, đảo và “Chư Tan Kra mây trắng” (2021) với chủ đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, mới đây nhà báo - nhà thơ Lữ Mai vừa ra mắt “Hồi sinh” – tập trường ca thứ ba lấy cảm hứng từ hiện thực cam go và khốc liệt do dịch COVID-19 để lại.

Trường ca gồm 156 trang, chia thành 8 chương gồm: “Những đứa trẻ”, “Khoảng trống”, “Giai điệu đêm tháng Bảy”, “Ký ức phố”, “Hồi hương”, “Bàn thờ vọng”, “Đi hay ở” và “Gọi”.

Bằng ngôn ngữ thơ ca giàu cảm xúc, trường ca “Hồi sinh” tái hiện nhiều câu chuyện xúc động, ám ảnh người đọc mãnh liệt trong bối cảnh, thời điểm toàn xã hội gồng mình chống dịch. Đó là hình ảnh những em nhỏ không được đến trường, việc học hành, vui chơi diễn ra giữa bốn bức tường trống trải. Là những em bé đã sớm phải xa gia đình để thực hiện cách ly: “trong ti vi các bạn tuổi chúng mình/ không hiểu sao phải mặc đồ bảo hộ thùng thình/ lũn chũn xếp hàng/ rồng rắn leo lên chiếc xe cấp cứu.../sao lúc nào cũng khẩu trang/ mắt ướt dụi vào vai bạn/ ngày mai đâu chỉ thiếu ông bà bố mẹ/ ipad và gấu bông/ ngày mai thiếu cả nắng ban mai…”.

Đó là hình ảnh đầy xúc động của đội ngũ tuyến đầu chống dịch phải hy sinh hạnh phúc cá nhân cùng người bệnh giành giật từng hơi thở, sự sống. Hương khói tỏa quanh những bàn thờ vọng mà tất cả những người con đang ở tuyến đầu chống dịch không thể về chịu tang cha mẹ: “muốn được khóc thay đồng nghiệp của mình/ vợ chồng bác sĩ nghe tin mẹ mất/ gạt nước mắt khám chữa bệnh nhân/ nhiệm vụ nặng hai vai/ chữ hiếu chưa trọng vẹn/ nấc vào thăm thẳm/ khi không ai còn thời gian để khóc/ từng đôi mắt lạc vào đêm…”.

Trường ca "Hồi sinh" của tác giả Lữ Mai.

Là nỗi ám ảnh của những cuộc hồi hương với đoàn người nối nhau rời phố thị trong "Hồi hương" và "Đi hay ở?": “vật vờ vệ đường/ phong phanh tấm áo/ gói mình căng nhức chiếu chăn/ cả phận người di động/ con cái, chó mèo, nồi niêu, xoong chảo/ cân gạo, gói mì, khoai sắn dắt lưng/ thất thểu/ buông xuôi/ ảo não…”. Để xoa dịu những đau đớn, mất mát mà cuộc chiến với COVID-19 gây ra là những "Giai điệu đêm tháng Bảy" cất lên từ khoảng sân bệnh viện mà các nghệ sĩ mang đến đã phần nào sẻ chia với những đau đớn, tổn thương mất mát ấy: “chỉ âm thanh không thấy mặt người/ chỉ tiếng vỗ tay sau khung cửa kính/ da diết truyền lan ấm nóng/ đẩy vào mạch sống tràn căng/ lan lỏi mọi không gian/ vang đến tận những bàn thờ vọng…”. Sau tất cả cuối cùng lại là tiếng gọi thiết tha của tình người, sự sống, niềm tin cho những ngày mai bình yên trở lại: “nắng vẫn vàng sáp ong/ hoa vẫn nở/ trên những nấm mồ/ tiếng trẻ thơ thay kinh cầu tịnh độ/ góc phố rộng dài trong tiếng xôn xao/ bình yên tỏa vào cánh hoa đang ngủ/ vào em bé đang mơ/ vào người đàn bà đi chợ/ những mắt nhìn đã hết thờ ơ…”.

Đặc sắc trong trường ca “Hồi sinh” là giữa các chương được kết nối bằng những bài đồng dao có tên chung “Đồng dao của giấc mơ” mang đến hình dung về hình ảnh, thanh âm của trẻ con đang vui đùa, nhảy nhót, hồn nhiên bước qua những biến động của cuộc sống cho ta niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.

Toát lên ở trường ca “Hồi sinh” không chỉ là những trang viết đậm tinh thần tưởng nhớ, tưởng niệm, sẻ chia để tiếp tục lan tỏa tinh thần sống và hy vọng. Đây là một tác phẩm văn học giàu cảm xúc, toát lên tinh thần nhân văn, sức sống mãnh liệt của con người trong cơn biến động do dịch COVID-19. Cùng với đó là việc làm ý nghĩa của tác giả khi quyết định dành phần lớn doanh thu phát hành để ủng hộ trẻ em mồ côi, chịu hậu quả nặng nề do dịch COVID-19 gây ra.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ngõ xưa
06:34, 03/04/2022
Có một nơi...
06:34, 03/04/2022
Nhớ thương quang gánh
05:55, 27/03/2022