Một bài thơ xúc động về tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi
Khách của Bác Hồ
Khi thiết kế nhà sàn của Bác
Bác dặn rằng: “Khách của Bác có nhiều
Kể cả thiếu nhi khắp mọi miền đất nước
Phòng khách nên làm thêm dãy ghế chạy vòng bao”
Từ đó dưới ngôi nhà sàn thân thuộc
Thi thoảng là nơi Bác cháu quây quần
“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh ...”
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi cả nước?
Bác giữa thiếu nhi như Tiên ông trong cổ tích
Phát kẹo, chia quà, kể chuyện ngày xưa
Trăm mối lo toan lớn lao về đất nước
Thanh thản nụ cười lúc gặp mắt trẻ thơ.
Biết các cháu yêu hoa, yêu loài vật
Lúc rỗi nhàn, Bác chăm cá, trồng hoa
Lòng lắng lại giữa bộn bề trọng trách
Bác tìm vui nơi con cháu trăm nhà.
Khách của Người khắp năm châu bốn biển
Bác vẫn nâng niu thế hệ trẻ muôn đời
Không quản nhọc nhằn vì tương lai thế hệ
Không quên dành cho tuổi trẻ nụ cười tươi!
Lê Anh Phong
Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho thiếu niên, nhi đồng cả nước và khắp năm châu bốn biển. Tình cảm thiêng liêng ấy trở thành mạch nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà thơ, xem đó là vẻ đẹp trong tư tưởng và đạo đức cách mạng của Bác mà chúng ta cần học tập mỗi ngày. Nhà thơ Lê Anh Phong, từ cảm xúc chân thành và niềm kính yêu vô biên với Bác, đã viết bài thơ “Khách của Bác Hồ” thật tự nhiên, góp phần làm sâu sắc thêm nét đẹp tư tưởng, đạo đức của Người đối với nhân dân Việt Nam.
Bài thơ có 5 khổ, gồm 20 câu thơ giản dị như một câu chuyện kể về Bác Hồ lúc sinh thời. Người lớn và trẻ em đọc đều hiểu cả, bởi lẽ mạch tự sự trong tác phẩm thơ này không có gì xa lạ với chúng ta. Cái hay chính là câu chuyện ấy được tác giả kể bằng vần điệu nhịp nhàng, âm hưởng ngân nga khiến lòng ta đọc lên cảm thấy bồi hồi xúc động, ngỡ như đang thấy Bác hiện ra thân thiết, ân cần, yêu thương độ lượng như một người ông trong chính gia đình mình.
Nhan đề bài thơ nghe thật đặc biệt. Nếu dừng lại ở đề bài, chưa đọc vội nội dung mà thả hồn tưởng tượng, hẳn mỗi người sẽ nghĩ là một ai đó rất có địa vị, có thể là một nguyên thủ quốc gia nước ngoài, một thủ tướng hay bộ trưởng trong nước. Tuy nhiên, đọc xong một mạch bài thơ, ai cũng phải ngạc nhiên, bất ngờ bởi “khách của Bác” hóa ra là các em thiếu nhi trên khắp mọi miền đất nước, khắp bốn biển năm châu. Thế mới thấy tình yêu thương bao la của Bác dành cho thế hệ măng non…
Mở đầu bài thơ, tác giả Lê Anh Phong kể lại chuyện làm nhà sàn của Bác. Khi thiết kế ngôi nhà sàn, Người đã nghĩ đến một đối tượng thường đến với mình là các cháu thiếu nhi. Điều này dễ khiến chúng ta ngỡ ngàng và xúc động, bởi Bác gần gũi và bình dị quá. Cái dãy ghế chạy vòng bao mà Người yêu cầu thợ làm để dành các em đến vui chơi sao cho thoải mái, rộng rãi quả thật đã làm nổi bật ý tứ của bài thơ một cách tự nhiên khiến mỗi người không khỏi cảm động trước suy nghĩ của Người: Khi thiết kế nhà sàn của Bác/ Bác dặn rằng: “Khách của Bác có nhiều/ Kể cả thiếu nhi khắp mọi miền đất nước/ Phòng khách nên làm thêm dãy ghế chạy vòng bao.
Phải xuất phát từ tình thương yêu mênh mông của Bác dành cho tuổi thơ một cách diệu kỳ và đẹp đẽ dường ấy, Người mới có tầm nhìn như vậy. Vì thế ở ba khổ thơ tiếp theo, tác giả đã tái hiện lại những lần gặp gỡ và tiếp xúc của Bác với các em trong tràn ngập tình yêu mến. Bác Hồ thương yêu thiếu nhi bao nhiêu, các em cũng dành tình cảm đong đầy bấy nhiêu cho Bác. Như một chân lí, nhà thơ Lê Anh Phong phỏng ý của nhạc sĩ Phong Nhã đã viết về tình yêu của Bác và các cháu thiếu niên, nhi đồng: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh...”/Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi cả nước?
Có thể nói rằng, khổ thơ hay nhất là khi tác giả Lê Anh Phong tái hiện lại khung cảnh Bác Hồ như một Tiên ông trong truyện cổ tích được thiếu nhi vây quanh với biết bao nụ cười rạng rỡ. Bác phát kẹo, chia quà cho các cháu như người ông thân thương, gần gũi trong nhà. Những thước phim tư liệu ấy giờ vẫn còn sống động như mới ngày nào. Tâm hồn Bác trở nên thanh thản lạ lùng, bao mệt nhọc, suy tư dường như tan biến hết khi chạm vào ánh mắt trẻ thơ mỗi lần được gặp. Những âu lo cho dân, cho nước tạm thời lắng lại để Bác hòa vào sự thánh thiện, yêu tin của thế giới hồn nhiên: Bác giữa thiếu nhi như Tiên ông trong cổ tích/Phát kẹo, chia quà, kể chuyện ngày xưa/Trăm mối lo toan lớn lao về đất nước/Thanh thản nụ cười lúc gặp mắt trẻ thơ.
Cũng xuất phát từ tình yêu đối với trẻ thơ nên tâm hồn Bác thường hồn nhiên đến lạ. Tuổi thơ vô tư biết bao, chúng có thể vui đùa với con vật, trò chuyện với khóm hoa, nói cười cùng vầng trăng tỏa sáng. Bác hiểu vậy, lúc nhàn rỗi, Người cũng chăm cá ăn, tưới nước cho cây và tìm vui với “con cháu trăm nhà”. “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta” là thế. Suốt cuộc đời mình, Người chỉ nghĩ đến muôn dân, trong đó các cháu thiếu niên, nhi đồng là những “công dân đặc biệt” mà Bác yêu thương hết mực: Biết các cháu yêu hoa, yêu loài vật/Lúc rỗi nhàn, Bác chăm cá, trồng hoa/Lòng lắng lại giữa bộn bề trọng trách/Bác tìm vui nơi con cháu trăm nhà.
Khổ thơ cuối bài khép lại đã khái quát về tình yêu của Bác dành cho thiếu nhi khắp “năm châu bốn biển”. Không chỉ yêu thương thuần túy, Người còn ra sức nâng niu, xây đắp cho thế hệ muôn đời sau được vững bước, trưởng thành hơn, tiếp tục cơ đồ và sự nghiệp của cha ông để lại. Thấu hiểu và đặt hết niềm tin vào thế hệ trẻ nên suốt đời Người không quản nhọc nhằn, không tiếc công lao để ươm mầm vì thế hệ tương lai đất nước. Vì vậy, học Bác chăm lo cho thế hệ trẻ muôn đời sau là trách nhiệm của mỗi người dân nước Việt hôm nay và cả mai sau: Khách của Người khắp năm châu bốn biển/Bác vẫn nâng niu thế hệ trẻ muôn đời/Không quản nhọc nhằn vì tương lai thế hệ/Không quên dành cho tuổi trẻ nụ cười tươi!
Bài thơ tưởng chừng chỉ viết cho thiếu nhi, viết về tình yêu của Bác Hồ dành cho tuổi thơ; nhưng lắng sâu trong cảm xúc và tư tưởng thi phẩm, tác giả còn thể hiện thông điệp mà mỗi người Việt Nam đang sống hôm nay phải nhận ra để học tập và làm theo Bác. Học Bác biết yêu thương và chăm lo cho thế hệ măng non của Tổ quốc là bổn phận và trách nhiệm lâu dài mang tầm chiến lược. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”!
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc