Khoai mài tháng Chạp…
Năm nào cũng vậy, tháng Chạp – tạnh mưa vài hôm, đất ráo – mẹ lại dắt anh em tôi đi đào khoai mài.
Vui lắm là cái vụ đào khoai Tết. Hớn hở mang liềm, cuốc, thúng, rổ ra vườn nơi có vồng khoai mài bự chảng mẹ trồng từ đầu năm. Trồng xong, mẹ còn cẩn thận chẻ tre cắm, buộc chái(*) vững chãi cho dây có chỗ leo. Nhanh thật, mới vài tháng trước vồng khoai dây lá còn xanh ngăn ngắt, phủ trùm lên hai lớp chái đan hình chữ A, tốt đến mức muốn đè oặt chái. Vậy mà ngoảnh lại ngoảnh đi cái lạnh mùa đông đổ về không mấy chốc đã khiến những dây khoai xơ xác, lá lớp rụng lớp ngả vàng trông như sắp lụi. Ba ra thăm vườn, kêu: Khoai già, đào được. Mẹ cười: Chờ cho đất ráo đã. Đất ướt khó đào, lại dễ hư củ… Với mẹ, vồng khoai mài tháng Chạp là "của quý": Trồng vất vả, thời gian sinh trưởng ngót nghét cả năm chứ không ngắn như các giống khoai thông thường. Lại nữa, khoai mài trồng chủ yếu để dành giỗ, Tết nấu canh bày cỗ cúng, hỏi sao không quý?
Ảnh minh họa: Internet |
Bắt đầu, mẹ dùng liềm cắt dây, nhổ sạch số cây cắm chái. Dây khoai lúc cắt mẹ chừa phần gốc một đoạn dài để khi đào không mất dấu. Cái giống khoai mài lạ lắm: dây nào củ nấy, mỗi dây duy nhất một củ, không hơn. Nhổ chái xong là đào. Đất ráo, bùng bục lở ra theo từng nhát cuốc hai bên vồng. Những con giun đất to cộ, óng ánh sắc đen theo đất bật lên, ngoe nguẩy cuống cuồng chạy trốn. Lúc trồng, trước khi lên vồng mẹ đào hào sâu, lót xuống bao nhiêu là phân tro, rác rến, chả trách lũ giun sinh sôi con đàn cháu đống, béo trương béo nứt! Mẹ bảo: Đám giun này được việc lắm, nhờ chúng đất mới tơi xốp, giúp khoai mài củ to…
Cuốc hết lớp đất ngoài vồng vẫn chưa thấy củ đâu nhưng mẹ không cho cuốc tiếp. Dùng cái bay (dao xây) nhỏ, mẹ theo dây cẩn thận moi xuống. Tôi hồi hộp lom lom mắt nhìn theo tay mẹ. Kia rồi, đầu rồi nguyên một phần củ khoai ló ra đen trũi, lởm chởm râu ria. Mấy anh em khoái chí chỉ trỏ, nhí nhố hò reo… Anh Ba nhanh nhảu chen vào giành mẹ túm lấy đầu củ khoai ra sức nhổ, lay. Ráng đỏ mặt tía tai mà củ vẫn trơ trơ. Mẹ cười: Chưa được đâu, ấy mới chỉ phần đầu, còn sâu lắm…. Dứt lời mẹ tiếp tục cuốc, moi theo củ. Dài thật, củ đâm thẳng xuống chứ không đi ngang. Moi tháo mồ hôi mới tới phần đuôi. Cẩn thận, hai tay mẹ ôm vòng phần giữa củ khoai nhẹ nhàng lay lay xong nhổ bật!
Chao ôi là bự, củ khoai mài đầu tiên đào được. Nó nằm tràn luôn khỏi chiếc rổ đựng, núc ních như con lợn con đen trũi. Củ khoai đẹp đẽ tiếp thêm động lực cho vụ đào bới. Dây thứ hai, dây thứ ba…; giờ đã biết cách, chúng tôi tranh nhau thay mẹ cuốc, moi. Từng củ, từng củ khoai nần nẫn vẹn nguyên tuần tự được bới lên, giũ sạch đất, chất nằm đầy vun trong rổ! Xui xẻo, củ cuối cùng thằng Út làm không cẩn thận, moi chưa hết đất đã lanh chanh ôm nhổ bừa nên bị gãy ngang thân. Nhìn củ khoai "bị thương" ứa nhựa đùng đục trắng, dường như mẹ xót lắm. Mẹ bảo: Khoai mài củ phải lành nguyên mới để được lâu, bán cũng cao giá. Củ gãy rồi đành nấu ăn thôi, không để dành được…
Mặt trời lặn cũng vừa xong việc, mẹ hớn hở quệt mồ hôi, điều khiển lũ con khiêng hai rổ khoai mài đầy nhóc vô sân. Khoai mài tháng Chạp cao giá lắm, bán đi sẽ thêm không ít tiền sắm Tết. Đương nhiên, mâm cỗ Tết cũng không thể thiếu món canh khoai mài hầm thịt - món "đặc sản" mà riêng tôi rất khoái. Canh khoai mài ăn ngon lại lâu ớn. Xúc từng muỗng canh khoai trắng đục đặc queo cho vào miệng để cảm nhận vị ngọt lừ của thịt, béo bùi thơm ngan ngát của khoai nghe như nồng nàn hương đất, hương quê nhà tan chảy trong mỗi miếng canh. Ký ức dẫu lùi xa nhưng dư vị ký ức vẫn còn lưu luyến thật lâu. Nồng nàn…
*Một kiểu "giàn đứng" cắm, buộc nghiêng cho khoai, đậu có chỗ bò leo (phương ngữ Phú Yên)
Y Nguyên
Ý kiến bạn đọc