Chân chất hương quê
Trong bức tranh hiền hòa vẽ nên muôn vàn những cảnh vật, những sắc màu của miền quê, có lẽ điều khiến ai cũng ấn tượng nhất sẽ là màu xanh làm mướt cả mắt nhìn.
Màu xanh của bầu trời lơ lửng áng mây bay, màu xanh của cánh đồng bao la, trù phú và màu xanh non mơn mởn của những luống rau nằm nép mình trong khu vườn xinh xắn hay trước cổng nhà chạy dọc khắp con mương.
Có những loại rau được gieo trồng chăm sóc kỹ càng nhưng có những loại rau chẳng biết từ đâu mọc lên không cần ai vun trồng, không cần ai chăm tưới, chúng chỉ nhờ nắng mưa của trời mà cắm rễ đâm chồi rồi phủ lên mảnh đất quê hương một màu xanh mỡ màng vừa ngon lành lại hút ánh nhìn.
Các loại rau dân dã mang trong mình mùi hương của đồng ruộng, có sức sống hoang dại không dễ gì lụi tàn và đặc biệt là làm thỏa mãn vị giác của con người bằng chính cái sự đơn sơ mộc mạc, bình dị nhất.
Bữa cơm gia đình có thể thiếu cá, thiếu thịt nhưng bữa nào thiếu rau thì ăn cơm cảm giác khô khan, khó nuốt. Cọng rau quê tươi dân dã nhưng lại quan trọng biết chừng nào. Trong bữa cơm chiều vương vấn khói lam chiều quanh chái bếp sẽ thấy rau hiện diện trong nhiều món. Rau góp phần cho tô canh thơm mát, rau đậm vị trong món xào, món kho mặn mà thiếu cọng rau xanh luộc thì như thiêu thiếu cái hương đồng gió nội, thiếu phần ngon. Thích thú nhất là món bánh xèo tròn với con tôm con tép mới bắt ngoài sông về như gói trọn tình quê, khi ăn phải gói với nhiều loại rau: cải xanh, xà lách, đọt đinh lăng, dưa leo, khế chua, rau thơm… như thưởng thức được cả một góc trời quê trong đó.
Minh họa: Trà My |
Về dạo chơi trên con đường làng mới thấy thấm thía câu nói “không đâu như ở quê hương”. Chỉ một ly nước chè xanh mà hàn huyên tâm sự với những câu chuyện ấm lòng tình làng nghĩa xóm. Nhớ cái mùi cá tràu nướng trui được chấm với muối trắng ớt tươi cay quyện vào hương đất và tiếng dế rung trời nối dài mênh mông. Về quê, tôi như đứa trẻ thơ nũng nịu, mơ màng ngả lưng nương tựa trên thảm cỏ mềm mịn đẫm sương, nghe mọi người kể chuyện ngày xửa ngày xưa, nghe hoài mà không thấy chán.
Tôi không bao giờ quên được mùi rơm rạ thoảng trong gió sau những vụ mùa. Mùi vị ấy hăng nồng khó tả, nó được pha trộn từ các hương vị đậm chất quê nhà như mùi ẩm của nước, mùi bùn non của đất, mùi ngai ngái của cỏ của rơm rạ tạo thành một hương vị đặc trưng rất “quê”.
Nhớ những chiều tối, khói lam chiều từ chái bếp phả vào cay xè khóe mắt, những sợi khói được đun từ rơm, rạ có mùi hương chân chất của ruộng đồng tỏa ra từ căn bếp quê khắc khoải nhắc nhiều kỷ niệm. Nơi ấy, tôi thấy dáng ba khắc khổ, cực nhọc lo toan, vất vả sớm hôm ngoài đồng để kiếm miếng cơm, manh áo, nuôi các con ăn học. Thấy dáng mẹ tảo tần, lam lũ sớm hôm, lúi húi trong bếp tranh nghèo nấu cơm cho đàn con thơ. Hương gạo mới, nồi cá kho bằng rơm tỏa mùi thơm ngào ngạt. Nơi đó, cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc mà ấm cúng giữa khung cảnh làng quê êm đềm.
Nhớ những ngày đông tháng giá, lũ trẻ đi học về, vơ lá khô, rơm, rạ nhóm lửa vừa sưởi ấm, vừa nướng ngô, khoai mót được từ những ruộng đã thu hoạch. Mùi khói đồng, mùi ngô, khoai nướng thơm nồng quyện vào nhau. Mùi của ruộng đồng, hoa trái, cỏ cây ấy đã tạo thành hương quê theo ta suốt năm tháng cuộc đời. Dù lớn lên, đi khắp bốn phương trời, hương đồng gió nội, mùi hương giản dị nhưng sâu nặng nghĩa tình thân quen ấy vẫn vẹn nguyên tinh khôi như thuở nào.
Phạm Thị Mỹ Liên
Ý kiến bạn đọc