Thêm yêu biển đảo Việt Nam qua “Cà Nóng chu du Trường Sa”
Với lối kể chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm, nhà văn Bùi Tiểu Quyên mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi tình yêu Trường Sa và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc qua những trang viết sinh động, hấp dẫn trong truyện dài “Cà Nóng chu du Trường Sa” (NXB Kim Đồng). Tác phẩm đoạt giải C ở hạng mục sách dành cho thiếu nhi tại Giải Sách quốc gia lần 5.
Tháng 4/2019, nhà văn Bùi Tiểu Quyên trong vai trò phóng viên của Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến hải trình ra thăm Trường Sa cùng đoàn công tác của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Ngay từ khi nhận quyết định đi công tác, chị cho biết ngày trở về sẽ viết riêng cuốn sách dành cho Trường Sa – quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi triệu triệu con tim Việt vẫn hướng đến mỗi ngày.
Nhân vật chính trong truyện là Cà Nóng - chiếc máy ảnh vật bất ly thân của cô chủ. Cà Nóng may mắn cùng anh chị phóng viên tham gia chuyến hải trình đặc biệt: Đi thăm Trường Sa. Những ngày trên tàu rồi đặt chân lên các điểm đảo, Cà Nóng được sống một cuộc đời mà con người và máy ảnh đều ước mơ. Cùng tham gia hải trình với Cà Nóng còn có các máy ảnh khác: bác Tê Lê, thằng Ni, thằng So, cô Meica… Qua góc nhìn và lối kể của những chiếc máy ảnh được nhân cách hóa trong hải trình thăm Trường Sa kéo dài chín ngày trở nên mới lạ, lôi cuốn và ly kỳ với khung cảnh kỳ vĩ của trời biển, đảo chìm, đảo nổi, những nhà giàn do bàn tay, khối óc con người xây dựng. Những cuộc gặp gỡ khó tin với các nhân vật đặc biệt trên từng điểm đến.
Bìa sách "Cà Nóng chu du Trường Sa" của nhà văn Bùi Tiểu Quyên. |
Sự háo hức của những chiếc máy ảnh và anh chị phóng viên trước những trải nghiệm có thể sẽ không có lần thứ hai, dần dần mở ra trước mắt. Do phòng ăn trên boong tàu không đủ bàn ghế cho trăm người, nên đoàn chia ra từng nhóm để tiện sinh hoạt, ăn uống. “Tên mỗi nhóm được đặt theo tên các điểm đảo của Trường Sa. Mỗi lần gọi nhau nghe thương lắm. Sơn Ca ơi, Sinh Tồn ơi, Tiên Nữ ơi, Đá Lát ơi…”. Những tình huống bất ngờ mà hài hước xảy ra trên tàu như việc chú heo bị say sóng, chương trình phát thanh của cộng đồng máy ảnh mang tên “Ánh sáng”, đến những đêm sáng tác thơ, cùng nhau gấp một ngàn chú hạc giấy để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam vào ngày gần cuối hành trình..., tất cả đều được Cà Nóng miêu tả chi tiết làm cho chuyến đi lôi cuốn hơn.
Điểm đặt chân đầu tiên của cả đoàn đến đảo Song Tử Tây rồi Nam Yết, Tiên Nữ, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… đến nhà giàn trên biển, từ đây những trải nghiệm, khám phá cuộc sống trên quần đảo Trường Sa bắt đầu. Cà Nóng khám phá và đem về những câu chuyện mắt thấy tai nghe từ những đảo chìm, đảo nổi và nhà giàn DK1. Đó là câu chuyện về cây bàng vuông, những chú chó trên Đảo Nam Yết, đến cuộc sống của các chiến sĩ, nhân dân cùng các em nhỏ Trường Sa; về những ước mơ, niềm tin và hy vọng, những lý tưởng và hoài bão về sứ mệnh của mỗi người trong cuộc đời...
“Cà Nóng chu du Trường Sa” còn chứa đựng nhiều kiến thức về biển đảo, thiên văn, về lịch sử… nhưng không hề khô khan mà hiện lên đầy tự nhiên, thậm chí có những đoạn như cổ tích, nhiều mê hoặc. Như việc, Cà Nóng “xuyên không” trở về với hải đội Hoàng Sa, lọt vào tay những người binh phu thời nhà Nguyễn đang đi làm nhiệm vụ cắm cọc chủ quyền, thu nhặt sản vật ở Vạn Lý Trường Sa và vừa trải qua một cuộc giao đấu với hải tặc... Hay như việc Cà Nóng khéo léo nhắc đến sự kiện “cô chủ sinh đúng ngày 14 tháng 3 năm 1988, đó cũng là thời điểm đặc biệt, chính tại đảo Cô Lin và đảo đá Gạc Ma, sáu mươi tư chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, từng tấc đất vùng trời vùng biển của Việt Nam” để hôm nay Cà Nóng cùng mọi người thả hoa tưởng niệm, trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy đã làm bao người rơi lệ.
Những chân trời kiến thức mở ra. Những cảm xúc ngân rung theo biển đảo thiêng liêng Tổ quốc, theo những câu chuyện mà nhà văn Bùi Tiểu Quyên khéo léo xây dựng, tái hiện, chuyển vào trong từng tình tiết truyện. Đặc biệt, quần đảo Trường Sa trở nên lung linh và gần gũi hơn qua những minh họa màu công phu, đẹp mắt và đáng yêu của họa sĩ Đinh Nguyên Hoàng. Cuốn sách mang đến những giá trị giáo dục đầy ý nghĩa: tình yêu biển đảo và ý thức chủ quyền đối với Tổ quốc; xây đắp, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng ấy trong tâm hồn của trẻ thơ để cùng các bạn nhỏ càng thêm yêu đất nước Việt Nam xinh đẹp.
Thúy An
Ý kiến bạn đọc