Multimedia Đọc Báo in

“Lên trời hái sao” - thế giới trong veo, ngọt lành của trẻ thơ

08:13, 12/05/2023

Sáng tác được một tác phẩm văn học hay đã khó, viết được một tác phẩm hay cho trẻ thơ còn khó gấp nhiều lần, song nhà thơ Đỗ Toàn Diện (Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk) đã làm được điều đó với tập thơ “Lên trời hái sao”.

Bằng ngôn từ thật trong trẻo, nhà thơ đã “vẽ” các em là nhân vật trung tâm đang ngắm nhìn thế giới, đặt ra bao câu hỏi mang “tư duy trẻ thơ” mà người lớn không dễ trả lời. Phải trả lời bằng cách nhìn, cách hiểu, cách nói của trẻ thơ mới thuyết phục được các em, từ đó mới có thể lồng ghép những bài học giáo dục về lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, tinh thần học tập say mê… Bài thơ “Tai thỏ” đã gửi tới các em một thông điệp về lòng trung thực, không được nói dối qua các hình tượng nghệ thuật rất đáng yêu: “Một tối lên giường ngủ/ Tai thỏ bỗng dài thêm/ Khóc lu bù cả đêm/ Tai cũng không ngắn lại (…)/ … Mẹ ơi con ngờ nghệch/ Nên lừa dối bạn gà/ Tai mới dài thêm ra”.

Các em nhỏ băn khoăn: Vì sao con dơi lại ngủ khi treo ngược trên cành cây? Thì đây, tác giả đã trả lời trong bài thơ “Dơi con ngủ”: “Em ngủ nằm giường/ Dơi ngủ treo ngược/ Này dơi nhỏ ơi/ Ngủ không nằm giường/ Nếu bị chóng mặt/ Làm sao tới trường?”.

Chỉ có trẻ thơ mới nghĩ và nói theo cách đáng yêu đến thế! Chỉ nhà thơ nào giữ được đôi mắt “xanh nõn” nhìn cuộc sống mới viết được những vần thơ làm trẻ em thích thú bởi thấy mình trong đó.

Về hiện tượng đồng âm khác nghĩa của tiếng Việt, Đỗ Toàn Diện cũng có cách lý giải thật ngộ nghĩnh. Đó là con ngựa và cá ngựa trong bài “Cá ngựa”: “Con thì sống dưới nước/ Con lại sống trên bờ/ Cá có cùng mặt ngựa/ Nhưng chẳng hí bao giờ…”.

Hay con chuồn chuồn và con cá chuồn trong bài “Cá chuồn”: “Cá chuồn gặp chuồn chuồn/ Cả hai bên cùng liếc”.

 

Đó là bài học về ý thức gắn bó máu thịt với cội nguồn, với quê hương đất nước: “Chúng tôi loài cá hồi/ Luôn nhớ về nguồn cội” (Cá hồi kể chuyện). Đó còn là bài học yêu lao động, việc làm dù lớn hay nhỏ nếu có ích đều cao quý như nhau: “Chú chim gõ kiến/ Đi khắp đó đây/ Chữa bệnh cho cây/ Chuyên làm việc thiện” (Chim gõ kiến).

Có một cách lí giải về trăng độc đáo, ngây thơ, chưa xuất hiện trong bất cứ thi phẩm nào: “Trăng nghịch ngợm leo núi/ Trượt chân ngã sứt môi/ Trở thành vầng trăng khuyết/ Như diều treo lưng trời” (Trăng sứt môi).

Có thể tạm phân chia thế giới nghệ thuật trong tập thơ “Lên trời hái sao” làm hai phần: Một phần dành cho các loài vật, đồ vật gần gũi thân thuộc được trẻ thơ yêu mến như: thỏ, gà, bò, cá, viên tẩy…; một phần là hình ảnh quê hương, đất nước với địa danh hoặc thắng cảnh (“Cảnh đẹp Sa Pa”, “Hà Giang”, “Mía Kim Tân”…) hoặc là địa danh ghi dấu ấn lịch sử - văn hóa (“Viếng nghĩa trang Đồng Lộc”, “Thành nhà Hồ”…). Cùng với những bức tranh thiên nhiên và bức tranh xã hội ấy, hình ảnh những con người thân thương của trẻ thơ cũng đã được khắc họa thật xúc động. Ở phần thứ hai này, trong cái nhìn nghệ thuật có sự giao thoa cách nhìn - cách nói vừa trẻ thơ, vừa người lớn. Vì thế, chất “non tơ” có vơi hụt ít nhiều nhưng vẫn có tác dụng định hướng cho các em những giá trị thuộc về chân - thiện - mĩ. Đó là các bài thơ “Đẹp lớp đẹp trường”, “Kể chuyện quê em”, “Giọt mồ hôi”, “Thư viện trường em”, “Cô cũng là mẹ”, “Mùa hè thương mẹ”, “Viếng nghĩa trang Đồng Lộc”, “Tam Đảo”…

Đó là bức tranh rừng núi sống động, được khắc họa theo cảm nhận của trẻ thơ: “Suối ngàn cũng đã thức/ Chim thánh thót gọi bầy/ Lá rừng dang tay vẫy/ Khỉ chuyền cành đu dây…” (Khúc nhạc rừng).

Trong bài thơ “Bố ở ngoài đảo xa”, hình ảnh người bố là bộ đội hiện lên thật đẹp đẽ, rắn rỏi trong đôi mắt em thơ: “Bố em là bộ đội/ Canh giữ ngoài đảo xa/ Hai bàn tay rám nắng/ Săn chắc như cột nhà (…)/ … Ngày mai bố hết phép/ Bố bảo “biển gọi rồi”/ Con chăm ngoan học giỏi/ Bố luôn gần con thôi”.

Ở phần thứ hai này, hai bài thơ hay nhất có lẽ là bài “Lên trời hái sao” và “Mắt vườn”. Bài thơ “Lên trời hái sao” như một gạch nối kỳ diệu giữa hai phần của tập thơ: Khung cảnh thiên nhiên ở nông thôn được “cảm” và “tả” bằng đôi mắt vừa trẻ thơ, vừa người lớn, ngộ nghĩnh và đáng yêu biết bao. Tình yêu quê hương xứ sở như những giọt mưa ngọt lành chảy mát trong câu chữ: “Tiếng chim vót nhọn xuyên trời/ Họ hàng cóc nhái gom lời gọi mưa/ Nắng vàng rót mật xuống trưa/ Sáo diều vi vút đong đưa gọi mời/ Cánh diều uống gió no rồi/ Bao nhiêu truyền thuyết góp lời ca dao/ Chuồn chuồn uống cạn hồ ao/ Cá rô nhảy hái ngàn sao ngang trời/ Bẹp đầu trê nằm nghỉ ngơi/ Chày thương bạn nước mắt vơi lại đầy/ Ốc sên với mảnh lại đầy trăng gầy/ Ngàn sao lấp lánh đong đầy tuổi thơ”

Trong bài “Mắt vườn”, tác giả phải có tài quan sát tinh tế, có tình yêu thương thắm thiết dành cho trẻ thơ, cho thiên nhiên và cuộc sống quanh ta mới có thể viết được những vần thơ trong vắt như thế này: “Những con mắt thong thả/ Từ nứa luồng bước ra/ Mắt của những quả na/ Quả già, mắt mở to/ Quả bé, mắt ti hi/ Mắt của những cây mía/ Cứ tăm tắp thẳng hàng/ Mắt của lũy tre làng/ Thức để ru gió ngủ/ Mắt dứa cứ lủ khủ/ Nhiều ơi.. quá là nhiều/ Riêng có mỗi con diều/ Là chỉ có hai mắt/ Mắt giọt sương trong vắt/ Long lanh thật đáng yêu”.

Với tập thơ “Lên trời hái sao” này, độc giả vẫn bắt gặp vẹn nguyên ở nhà thơ Đỗ Toàn Diện một trái tim thi sĩ tràn đầy tình yêu thương dành cho con trẻ, cho quê hương, đất nước. Không có tình yêu thương ấy, không thể viết được những vần thơ trong veo, ngọt lành như thế…

Hạnh Đức


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Mùa hạ đi qua…
07:57, 12/05/2023
Phía sau màu nắng
07:57, 12/05/2023
Đưa nhau vào hạ
08:27, 07/05/2023
Về đồng
08:27, 07/05/2023
Tiễn tình
08:27, 07/05/2023
Mùa gặt trong ký ức
06:32, 01/05/2023
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.