Một thuở với bần
Một dịp hiếm hoi, trong chuyến du lịch về miệt vườn sông nước, chiếc đò chở đoàn khách chầm chậm rẽ sóng, bỗng có tiếng ai đó kêu lên khi chợt nhìn thấy những bông hoa hình cái chuông con rung rinh sau kẽ lá. Hình như là hoa bần. Người lái đò nghe thấy liền mỉm cười, xác nhận đó chính xác là hoa bần.
Cây bần lạ lẫm đối với người dân thành thị, còn đối với một người con được sinh ra từ quê, nơi sông nước, kênh rạch bạt ngàn như tôi thì lại rất thân thuộc.
Đặc tính của cây bần thường mọc theo ven sông nước lợ hoặc nước mặn. Chúng thuộc cây thân gỗ với những tán lá xanh rì cùng nhiều nhánh sum suê.
Lá bần hình trứng, to bản, chắc chắn và có màu xanh đậm. Còn hoa bần thì lại mang một vẻ đẹp riêng biệt.
Loài hoa không mọc riêng rẽ mà cứ hai, ba bông lại chụm vào nhau. Mỗi bông hoa lại có sáu cái thùy, những chiếc thùy đầy đặn, mặt ngoài màu xanh lục, mặt trong lại có màu phơn phớt hồng. Khi hoa đến thì nở, từng đài bung ra rưng rưng tựa như đang e ấp các nhụy hoa.
Đến ngày thùy hoa rụng xuống, từng chiếc nhụy bắt đầu ló lên, đội trên đầu là chấm vàng bé xíu. Dần dần, giữa nhụy hoa trái bần non nhỏ xíu hiện ra với một màu xanh nõn bắt mắt, treo lủng lẳng giữa bạt ngàn sông nước.
Minh họa: Trà My |
Hồi nhỏ, có lần tò mò tôi thắc mắc cái tên “bần” của loài cây đặc biệt này. Nội tôi bảo tên bần có nghĩa là bần hàn, bần cùng cơ cực. Nó là thứ quả chua chát, mọc hoang dại. Biết câu trả lời nhưng rồi tôi cũng chóng quên. Bởi với trẻ con chúng tôi ngày ấy, tên gọi chỉ là tên gọi cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều, chỉ biết nó là một loại trái cây có thể ăn được.
Đối với trẻ con chúng tôi ngày ấy, kẹo bánh là thứ quá xa xỉ, chỉ có hoa trái vườn nhà, những trái cây mọc dại trên rừng, dưới sông mới là thức quà vô giá. Tôi nhớ mùa bần ra quả, mỗi lần đi chăn trâu, chúng tôi thường lân la tới bờ sông để đu cành hái bần ăn. Trái bần non thì vị chát rõ nét, bí quá chúng tôi mới hái. Còn bần chín thì mới là “mục tiêu” chúng tôi nhắm tới. Quả bần chín, lớp vỏ ngà ngà vàng, hơi mềm nhẹ. Bần chín vẫn còn vị chát nhưng thêm vào đó là còn là vị chua, ngọt trộn lẫn. Tất cả quyện hòa với nhau khó có thể diễn tả thành lời. Cả lũ ngồi vắt vẻo trên chạc ba của cây nhai bần rau ráu, cười đùa tinh nghịch.
Lại nhớ một thời vất vả, người dân quê tôi rủ nhau đi hái trái bần về làm phong phú bữa cơm gia đình. Một món ăn mà có lẽ tôi nhớ và thích thú nhất đó là canh chua trái bần. Cha xuống ao giăng lưới bắt ít con rô, con lóc. Mẹ ra vườn hái cọng bạc hà (dọc mùng), rau thơm, rau ngổ. Cá chế biến đun sôi, nêm nếm chút gia vị rồi cho quả bần vào là có ngay một bát canh chua ngon tuyệt. Vị chua của quả bần có vị thanh nhẹ, khắc hẳn vị chua gắt của trái me. Mẹ tôi đùa rằng lúc nào có canh chua trái bần y rằng rất “tốn cơm”. Cả nhà ngồi quây quầy bên nhau ăn bát canh cười đùa vui vẻ. Và cứ thế, không biết tự bao giờ những trái bần giản dị, khiêm nhường trở thành món ăn dân dã đối với người dân quê nghèo.
Nơi con sông chảy ngang nhà, những cây bần vẫn đều đặn trổ hoa và ra trái, nhưng lũ trẻ bây giờ chẳng đứa nào mê mẩn như chúng tôi ngày xưa. Cũng phải thôi, thời thế thay đổi, cuộc sống khá lên, chúng có nhiều sự lựa chọn, nên những trái bần bị lãng quên là điều đương nhiên. Những lần về quê thấy hàng bần là tôi lại hoài niệm. Vẳng bên tai những câu hát của một ca sĩ nào đó ngân nga: “Hoa bần nở tím màu thương nhớ, tím con sông rạch bãi cồn. Dù cho năm tháng đi qua. Dù cho nắng táp mưa sa. Biển khơi sóng vỗ dập dồn, thủy chung bám mãi giữ cồn, giữ cho đời thơm ngát hương quê…” lại làm lòng tôi xao xuyến.
Đào Thanh Tùng
Ý kiến bạn đọc