Multimedia Đọc Báo in

Mùi tàu

17:32, 26/07/2023

Những chuyến tàu rục rịch chuyển bánh đi từ ga này đến ga khác thường để lại trong tôi bao niềm nhớ.

Mỗi lần đi đâu đó tôi thường chọn tàu thay vì đi máy bay, kể cả những chuyến đi dài. Trừ khi quá bận rộn không đủ thời gian để nhìn ngắm cảnh đẹp non sông tôi mới chọn máy bay. Bạn tôi nói đi tàu vừa ồn ào, mệt mỏi, vừa nồng nặc các loại mùi khác nhau. Và đối với những người say tàu, việc ngồi hằng giờ trên chuyến tàu dọc đất nước là một điều kinh khủng.

Riêng tôi lại thích cái mùi tàu hỏa Thống Nhất, nhất là ở những toa ghế ngồi - toa dành cho những ai có tính tiết kiệm, người đi buôn, người nông dân chân lấm tay bùn trở về thăm quê mang theo lỉnh kỉnh nông sản, có cả những cựu chiến binh ngồi kể chuyện chiến trường xưa bằng chất giọng ồm ồm, rôm ran và tiếng cười vang ra tận toa giường nằm sang trọng.

Minh họa: Trà My

Mùi tàu là cách gọi chung chung bởi nó được sinh thành trên những chuyến tàu chạy từ Nam chí Bắc. Nhưng nếu để ý kỹ hơn một chút thì trong cái mùa hăng nồng riêng biệt ấy có mùi của dầu gió xanh tỏa ra từ mấy cụ bà ngồi bên ô cửa nói chuyện hồi xửa hồi xưa thỉnh thoảng lại lấy chai dầu gói trong một lần khăn bỏ trong túi xức xức vào gáy và hai thái dương. Mùi của vỏ con tàu được sơn bằng thứ màu thâm trầm. Mùi hơi khó chịu của khói thuốc từ mấy ông già ra chỗ khớp nối hai toa tàu đứng rít một khói thuốc cho ấm sau hành trình dài đằng đẵng. Mùi của bồ kết thoảng ra từ mái tóc mấy chị phụ nữ xõa dài. Mùi của biết bao thứ hàng hóa chất lô nhô trên toa tàu, không thứ tự nhưng cũng không khiến người khác thấy phiền lòng vì đơn giản là sự cảm thông.

Tôi đã từng trải nghiệm cả toa hạng sang, giường nằm đến toa ghế ngồi để biết được cái cuộc sống diễn ra ngắn ngủi trên hành trình Nam - Bắc. Và thật thú vị nếu ta để mắt quan sát đến những người xung quanh mình, lắng nghe những câu chuyện mà họ hào phóng chia sẻ để rồi cả toa tàu lại cười rộ lên hoặc tặc lưỡi xuýt xoa. Đi trên tàu, tôi cảm nhận được cái tình của những người muôn nơi trên đất nước mình. Việc sẻ chia, nhường nhịn một điếu thuốc lá, bẻ đôi gói xôi, ổ bánh mì trong đêm tàu rục rịch không ngừng hay cho mượn chai dầu gió, ân cần hỏi thăm mỗi khi có ai đó không may nhức đầu, đau bụng, cảm sốt trên tàu… là điều vô cùng nhân văn.

Mỗi hành trình đều cho mình nhiều điều quý giá. Tàu bây giờ hiện đại, sạch sẽ và thoải mái hơn xưa, tốc độ con tàu cũng nhanh hơn rất nhiều, rút ngắn thời gian của hành khách. Có lẽ tàu nói chung, hay tàu chợ nói riêng, đã trở thành một ký ức đẹp trong tâm hồn của biết bao người. Hình ảnh con tàu băng băng qua bao đồng bằng, sông suối trông thật thân thương và đẹp đẽ. Tàu đưa người đi xa để khám phá vẻ đẹp của non nước, tàu đưa người trở về đoàn tụ sum vầy cùng gia đình của mình, trở về quê hương nguồn cội.

Mười năm, hai mươi năm hay nhiều năm sau nữa, không biết đoàn tàu Việt Nam sẽ thay đổi, hiện đại và tân tiến như thế nào. Nhưng tôi mong rằng, hình ảnh con tàu màu xanh đại dương xen lẫn màu trắng có vạch kẻ đỏ tươi chạy dọc thân tàu đến toa sau cuối sẽ vẫn xuôi ngược từng ngày để hai đầu đất nước sẽ chẳng còn xa xôi, cách trở nữa. Và mùi tàu vẫn sẽ luôn là mùi vị ký ức trong trái tim tôi.

Hoàng Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Mùa hạ đi qua
17:55, 22/07/2023
Vị mát của mùa hè
17:55, 22/07/2023
Chiều quê
09:12, 16/07/2023
Nhớ về đồng đội
09:12, 16/07/2023
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.