Những ngày xưa thương nhớ…
Có lẽ, khi càng lớn tuổi, người ta lại thường hay suy tư, chiêm nghiệm về những ngày tháng cũ. Nghĩ về thời đã qua, về một miền ký ức đầy vơi những sướng khổ, vui buồn để rồi đeo đẳng một niềm khắc khoải nhớ thương, tiếc nuối…
Ký ức là những gì ta gọi tên và nhắc nhớ về điều cũ xưa, cứ lặng lẽ chìm khuất nhưng đôi khi lại trỗi dậy thật tình cờ, thậm chí có điều vẫn hằn nguyên đó đây như chưa hề lạc mất. Một căn nhà mái lá đơn sơ “kèo cột thương nhau” nên cứ chịt chằng níu đỡ mà vững chãi qua mưa nắng thăng trầm. Cái giếng đào sâu hoắm được tạo nên bởi những cánh tay lực điền cần mẫn, cho nước mát bốn mùa trong veo, bên thềm giếng điểm xuyết từng chùm hoa khế lao xao tím rụng giữa trưa hè. Con đường đất sỏi quanh co dẫn lối, chập chùng sắc hương cỏ hoa đồng nội, sớm chiều đám trẻ í ới gọi nhau đi học, chơi đùa, rồi cứ thế hồn nhiên đi qua thời thơ ấu…
Ngày xưa, thương làm sao cái nghèo triền miên vây bủa, cha mẹ phải chật vật ngược xuôi “ăn bữa hôm lo bữa mai”, ngay cả cuốn vở, tập sách cho con mỗi dịp tựu trường cũng thành nỗi lo canh cánh. Và có lẽ, do ý thức được sự khó nhọc của mẹ cha nên hầu như đứa trẻ nào cũng ham học. Ngoài ra, sau mỗi buổi học, chúng luôn có ý thức làm lụng, đỡ đần mẹ cha và đặc biệt rất có chí cầu tiến. Còm cõi, chắt chiu trong khốn khó rồi mẹ cha cũng được đền đáp khi nhìn những đứa con khôn lớn, nên người.
Minh họa: Trà My |
Có một ngày xưa, nơi chứng kiến nghĩa xóm tình làng keo sơn, gắn bó. Người ta thương nhau vô tư và tự nhiên bằng chính sự hồn hậu vốn có. Sẻ chia cho nhau từng mớ rau, con cá, bát canh ngon mỗi chiều; xắn tay đỡ đần nhau việc nhỏ, việc lớn chẳng nề hà khó nhọc, để rồi thành nếp ứng xử bền lâu “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Bởi thế mà, đôi lúc lũ trẻ có lỡ va chạm với nhau, người lớn cũng rất dễ dàng thỏa hiệp. Tôi nhớ mãi những khoảnh khắc gần gũi ấy, như mỗi chiều mẹ thường qua hàng xóm nhờ nhổ tóc sâu, ngâm được chậu bồ kết gội đầu cũng mang san sẻ cho các bà, các chị. Còn tôi, cũng đôi lần lỡ bữa phải cắp rổ đi… vay hàng xóm vài lon gạo nấu cơm.
Ngày xưa ơi, nhớ những buổi chợ phiên, ngay từ khi mẹ xách giỏ đi là mấy anh em đã lê la đầu ngõ ngóng đợi quà chợ. Lúc thì mẹ mua về cho gói kẹo bột, khi khác là mấy cái bánh rán, hấp dẫn hơn cả là những con tò he xanh đỏ rất ngộ nghĩnh, chơi xong lại vùi vào tro bếp nướng ăn. Ấy vậy mà cũng có buổi chợ, mấy đứa tiu nghỉu, nước mắt vắn dài vì mẹ “quên” mang về một thức quà nào đấy. Đâu đứa nào chịu hiểu nỗi niềm của người mẹ…
Nhớ về mẹ, về làng quê xưa, tôi thương đến nôn nao hai vai áo vẹt mòn quang gánh dãi dầu, khấp khểnh đi về trên con đường cát bỏng. Nhớ ánh mắt trìu mến, lấp lánh hy vọng của người phụ nữ kiệm lời ngày tiễn tôi lên chuyến xe lần đầu xa nhà đi học đại học. Nhớ dáng mẹ thắc thỏm vào ra ngóng đợi mỗi dịp tôi về thăm nhà. Nhớ những gói quà mẹ tỉ mẩn gói ghém kèm bao lời dặn dò ngày tôi rời đi…
Dù buồn, dù vui, dù hạnh phúc hay khổ đau thì những ngày xưa vẫn đẹp và vô cùng đáng quý trong cuộc đời mỗi người. Nơi ấy cất giữ giùm ta một miền ký ức trong veo để mãi hoài khắc khoải. Có ai nghĩ về ấu thơ, về miền thương diệu vợi có tên ký ức mà không một lần thiết tha cất thành tiếng gọi: ngày xưa ơi!
Ngô Thế Lâm
Ý kiến bạn đọc