Multimedia Đọc Báo in

Rụng đêm một chiếc mo cau

07:40, 27/08/2023

Đêm đã lắng lại trong yên tĩnh. Mảnh trăng khuyết đã lên quá ngọn tre đầu làng. Đêm đẫm sương và mờ ảo. Bản hòa tấu rỉ rả của côn trùng bổng trầm theo từng đợt gió xào xạc. Bỗng đâu con mực sủa váng đầu hồi.

Từ gian buồng kế bên, mẹ trở mình, húng hắng ho và gọi vọng ra: “Con ra xem có chuyện gì mà chó sủa ầm ĩ thế ?”. Tại tuổi già đêm khó ngủ hay sao mà mẹ tỉnh thế ? Bật chức năng đèn pin trên điện thoại, ta lặng lẽ ra ngoài, chó vẫn sủa váng phía vườn. Thì ra, một chiếc mo cau rụng xuống sột soạt làm cu cậu tỉnh giấc. Hơi đêm lành lạnh, hương thơm thoang thoảng cũng làm ta tỉnh ngủ, ngắm chiếc mo cau hồi lâu mà ngẩn ngơ, chợt thương chợt nhớ.

Thuở ấy, quê mình vườn rộng, hầu như nhà nào cũng trồng vài cây cau chuyền bẹ trước nhà theo quan niệm phong thủy dân gian “chuối sau, cau trước”. Những cây cau thẳng, tàu lá xòe ra xạc xào gió đung đưa. Hoa cau thoang thoảng thơm, rụng vương cả vào chum nước mưa đặt đầu hồi. Buồng cau sai trĩu quả như mong ước về một sự sung túc, đoàn kết nghĩa tình cho mỗi gia đình.

Minh họa: Trà My

Ấy là khi quê mình tục ăn trầu của người Việt cổ vẫn được các bà, các mẹ duy trì với ý nghĩa miếng trầu là đầu câu chuyện. Những cây cau được trồng tốn ít diện tích, nhiều công dụng lại tạo vẻ đẹp bình yên cho làng quê. Với lũ trẻ, những kỷ niệm tuổi thơ đong đầy cảm xúc, ngọt vị yêu thương luôn bâng khuâng nhớ những chiếc mo cau.

Trẻ quê ngày ấy đơn giản với những trò chơi đã thành “di sản dân gian”, không nguôi mong ngóng nhặt mo cau rụng. Khi lá ngả vàng, bẹ cau dần tách khỏi thân rồi một cơn gió thoảng làm rơi bịch xuống sân gạch trong sự háo hức của lũ trẻ.

Không hiểu sao, nhìn mo cau ta cứ liên tưởng, ngẫm nghĩ rằng bẹ cau, bẹ chuối, bẹ măng... cũng như tấm lòng người mẹ, một đời chỉ biết ấp ủ, nâng niu, chở che cho đến khi con cái trưởng thành để rồi một ngày úa tàn lại rụng về nguồn cội. Mà tín ngưỡng dân gian mình, chết đâu phải là hết. Cũng như mo cau rụng xuống vẫn đem đến cho người những niềm vui đầy thương nhớ.

Đó là niềm vui với trò chơi đầy ưa thích của tuổi thơ ngày ấy: trò kéo mo cau như lời bài hát “Người phu kéo mo cau” – của nhạc sĩ Vinh Sử. Hôm nào được mo cau to dày, cuống dài thì chơi thật thỏa thích. Cứ đứa ngồi đứa kéo, lần lượt thay phiên nhau lê la khắp mọi ngõ làng. Chơi chán chê cho đến khi mo cau thủng vì bị ma sát lâu hay đứa nào cũng mồ hôi nhễ nhại mới thôi.

Mo cau còn được mẹ tỉ mẩn tước lá làm chổi quét nhà, quét sân. Bẹ mo mẹ cắt ra, lấy vật nặng đè lên hoặc giắt vào liếp phên cho thẳng để làm quạt mo. Thuở làng quê chưa có điện lưới, quạt mo là vật dụng không thể thiếu trong ngày hè. Quạt mo theo tay bà ve vẩy bên cánh võng đong đưa cùng lời ru trầm trầm những buổi trưa hè. Quạt mo thức cùng bóng mẹ suốt đêm khi ta chợt thức giấc vẫn thấy mẹ lặng lẽ ngồi quạt cho con ngủ. Quạt mo đi cùng bài ca dao của thằng Bờm. Ngày ấy, ta cứ thắc mắc hỏi cha sao Bờm không lấy những vật dụng cao sang mà chỉ lấy nắm xôi? Cha mỉm cười bảo sau này lớn con sẽ hiểu. Rồi ta cũng hiểu đó là câu chuyện ngụ ngôn dân gian, cuộc mặc cả kéo dài ấy rồi cũng đến hồi thuận mua vừa bán cả hai bên. Phú ông gian xảo nhưng Bờm đâu có ngốc. Đó cũng là triết lý sống của dân quê, sống thiết thực, đừng lóa mắt trước của cải không phải của mình.

Mo cau còn là vật dụng không thể thiếu trong gian bếp của mẹ. Đó là những hôm cha mài rìu, rựa để đi rừng đốn củi; mẹ dậy từ khi gà mới eo óc gáy, cặm cụi nấu cơm, chuẩn bị muối vừng rồi lấy mo cau gói ghém để cha mang theo. Đó là khi những ngày mùa vất vả thuở quê chưa cơ giới hóa. Đồng thì xa, xe trâu thì đi chậm, đành ở lại buổi trưa cho xong việc kịp mùa. Ta háo hức cùng người lớn chờ đến khi mặt trời đứng bóng, mọi người nghỉ tay, quây quần nơi bóng râm, giở mo cơm mang theo để ăn. Bữa cơm đồng có phải vì đói, vì vui hay lý do gì mà dẫu đạm bạc vẫn ngon vô cùng.

Đêm khuya, ra vườn bởi một mo cau rơi rồi miên man suy nghĩ, lá rụng về cội để tuần hoàn cuộc sống. Đem mo cau vào sân để lòng thương về ký ức chưa xa... 

                                                      Đinh Hạ


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Nhớ thu vàng Ea Súp
06:34, 20/08/2023
Cổ thụ ở chùa
06:34, 20/08/2023
Lời quê
06:21, 12/08/2023
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.