Multimedia Đọc Báo in

Vườn quê tỏa bóng yên bình

06:34, 20/08/2023

Vào ngày cuối tuần hay dịp lễ, tết, tôi thường rời thành phố về với mẹ, về thăm khu vườn rộng bao quanh là rặng dừa cao, cạnh con sông có những cụm lục bình vừa trôi vừa nở.

Tôi và bọn trẻ đều rất thích khu vườn đầy cây xanh, rợp bóng mát này. Gặp lại vòm xanh yên bình như thể tương phùng những gì thân yêu nhất. Chúng tôi tha hồ nô đùa, đu cành, hái trái. Tiếng cười trẻ thơ trong trẻo chốc lát làm tan sự mệt mỏi, ngột ngạt, bụi bặm của phố phường, khiến cho lòng tôi nhẹ nhõm. Tôi thong thả dạo bước khắp vườn, chọn một chỗ yên vị và nhìn ngắm khu vườn để ký ức gọi về một thời “tuổi thơ dữ dội” dù phần nào đã nhòa theo lớp bụi thời gian.

Khu vườn ngày xưa rộng lắm, nhiều cây ăn trái và rau xanh. Mùa nào thức ấy. Có loại cho hoa cho trái quanh năm. Có loại rau xanh rờn suốt tháng. Bữa cơm thường có rau hái từ vườn nhà… Tôi hay theo mẹ ra vườn nhổ cỏ, bắt sâu... Nhớ những buổi mai, sương sớm còn phủ đầy mẹ đã tay liềm, tay lạt ra vườn lúi húi cắt rau, bó thành từng bó, nhẹ nhàng đặt vào đôi quang, gánh ra chợ đầu làng. Chị em tôi hay bày trò chơi trong lúc đợi mẹ về, trước ngõ, bên tán cây bàng. Gánh rau mẹ bán nửa buổi sáng là hết. Mấy thức quà quê nằm gọn trong quang gánh, dưới lớp lá chuối khô bao giờ cũng kích thích, gọi mời. Tôi là đứa nhanh nhẹn lại có phần láu lỉnh, dừng chơi, lật đật ào tới lục lọi. Mẹ cũng đã nhanh tay vì biết rõ tính con mình, rồi chia phần cho từng đứa đang thòm thèm, chờ đợi. Mẹ nhìn chúng tôi ăn bằng ánh mắt trìu mến thân thương, xua đi cái nắng hè oi ả đang dần tỏa xuống đường quê.

Làng quê dần thay đổi. Nhiều nhà xây, mái ngói mọc lên. Đường ngang ngõ tắt đều được tráng bê tông. Vườn mẹ cũng dần thu hẹp. Một phần dành cho mở đường, một phần phải cắt bán đi để trang trải việc học hành cho mấy chị em tôi. Mẹ vẫn giữ thói quen dậy sớm chăm đàn lợn, bầy gà và tất bật với mấy luống rau, vạt cải. Đó là tất cả niềm vui của mẹ. Biết thế nào cuối tuần tôi cũng về nên mẹ hay để phần, khi là quả khế, khi thì quả ổi, quả xoài. Có lần vì bận việc đột xuất tôi không về được, mẹ vẫn dành để rồi phải bỏ đi…

Minh họa: Trà My

Trong những đứa con, mẹ dành tình thương cho tôi nhiều hơn cả. Có lẽ vì tôi là con trai, lại gần mẹ nhất. Mấy chị đều có chồng xa, mỗi năm thỉnh thoảng đôi lần về. Mẹ con, bà cháu tíu tít ít hôm rồi lại đi. Căn nhà vắng người, mẹ tảo tần, lặng lẽ vào ra tìm vui bằng những công việc không tên. Tôi hay về với mẹ, đỡ đần vài việc lặt vặt. Khi dọn dẹp đống lá khô, vun vào một góc rồi đốt, khi dặm lại cánh sẻ hàng rào, ngăn không cho gà vịt vào bươi phá luống rau vừa nhú mầm, khi cọ sạch sàn giếng đầy meo mốc. Cái giếng ấy đã lâu không dùng, nhưng nước vẫn trong veo, chiếc gàu thiếc nằm vất vưởng bên cạnh, cũ kỹ, sợi dây tưa nhão cả rồi. Tôi ở với mẹ vài hôm rồi lại trở về thành phố bù đầu với công việc, tất bật nhiều lo toan. Nằm trên chiếc giường tre cũ, ọp ẹp (mẹ cứ để vậy không cho thay cái mới), gượng nhẹ vẫn nghe tiếng động, một thời nghèo khó hiện về, thổn thức, nước mắt bỗng lăn dài. Tiếng côn trùng rỉ rả từ ngoài vườn vẳng vào nghe hoang sơ, buồn não; tiếng dơi ăn đêm giật mình bay loạn xạ; tiếng gió lao xao trộn lẫn hương ổi chín, đằm dịu, nồng nàn… Tất cả cứ miên man, thao thiết cõi lòng. Mẹ cũng hay cựa mình, thức giấc bởi căn bệnh thấp khớp tái phát khi trái gió trở trời... Tầm gà gáy, mẹ đã trở dậy, nhẹ nhàng lê dép, mở cửa. Tôi cũng vừa chợt thức. Một tiếng ho khan mẹ cố nén cũng đủ nhói lòng tôi…

Mẹ đã già lắm rồi. Nhiều lần tôi đón mẹ lên ở cùng nhưng chỉ được vài hôm mẹ lại đòi về quê. Vì ở phố mẹ không quen, mẹ cứ thấy ngột ngạt, xa lạ quá. Nhà cửa hàng xóm lại im ỉm đóng. Người ta đi làm suốt. Mẹ thì rảnh rỗi, buồn chân buồn tay. Tôi chiều theo ý mẹ để cuối tuần về với mẹ, về với những êm đềm của tuổi thơ trong khu vườn xanh mát.

Sơn Trần


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Nhớ thu vàng Ea Súp
06:34, 20/08/2023
Cổ thụ ở chùa
06:34, 20/08/2023
Lời quê
06:21, 12/08/2023
Sang thu...
06:17, 12/08/2023
Những ngày về quê
06:02, 06/08/2023
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.