Multimedia Đọc Báo in

Một Hà Nội cất trong sổ thơ

16:45, 27/10/2023

Những cuốn sổ chép thơ thời học trò đã theo tôi đi qua biết bao gió mưa đời người, biết bao mùa thương nhớ. Để giờ đây, những cuốn sổ tự khâu bằng chỉ từ những manh giấy thừa ấy, sau 40 năm nay đã long gáy, sờn bìa, nhiều trang đã rời ra, đã nhòe mờ, nhưng vẫn còn đó từng hàng chữ nghiêng nghiêng bằng ngòi bút Hồng Hà và loại mực Cửu Long một thời xa vắng.

Để giờ đây, tuổi ngót 60, lần giở lại từng trang thơ chép tay thuở học trò. Là những Quê hương Việt Nam của Nguyễn Đình Thi, Núi Đôi (Vũ Cao), Những làng đi qua (Quang Dũng), Dấu võng Trường Sơn (Thanh Hải), Ngủ dưới sao (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Khoảng trời, hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ), Chiều sân ga (Lê Văn Vọng), Chiều ngoại ô (Bùi Quang Thanh), Mẹ đừng tiễn con (Ngô Văn Phú), Những mùa trăng mong chờ (Lê Thị Mây), Đi trong hương tràm (Hoài Vũ), Tre làng (Đoàn Thị Ký), Người đàn bà ngồi đan (Ý Nhi), Những cơn mưa (Giáng Vân), Chiếc lá đầu tiên (Hoàng Nhuận Cầm), Hai nửa vầng trăng (Hoàng Hữu), Mẹ quét lá (Thanh Ứng), Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (Nguyễn Duy), Tôi và cỏ (Lê Thị Kim)…

Và có riêng một nơi chốn được cất giữ trong ấy: Hà Nội. Nơi sinh ra tôi, nơi giữ lại một phần đời đầu tiên của tôi… Nhớ buổi trưa tháng 30/4/1975, người Hà Nội ùa hết ra phố trong tiếng loa phóng thanh mừng đất nước trọn niềm vui. Ba tôi cũng hòa vào dòng người từ lúc nào. Vậy là từ nay ông đã có thể trở về với mẹ ở quê nhà miền Trung, sau 21 năm xa cách…

Giở lại những bài thơ về Hà Nội chép trong cuốn sổ tay từ 40 năm trước. Bài Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn ở trang đầu tiên đã bị thời gian nhấm mất gần một nửa. “Cửa sổ hai nhà cuối phố/Không hiểu vì sao không khép bao giờ”. Bài thơ viết năm 1969. Hà Nội giờ còn không mùi hoa bưởi “thơm cho lòng bối rối”, và “cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa”? Thời của “hương thầm” ấy đã xa lâu quá rồi chăng?

Cũng năm 1969 ấy, nhà thơ Tế Hanh tràn đầy cảm xúc “Tôi từ nội thành ra ngoại thành/Vừa gặp mùa xuân đi ngược lại…” (Gặp xuân ngoại thành). Mùa xuân, đó là tiếng chim con trống bay tìm con mái, là những bó hoa tươi mơn mởn sắc màu, những gánh rau còn mọng nước, là màu áo chị công nhân vào ca, những chiếc xe ngụy trang “bốn bánh còn in bụi tiền tuyến”, là bầy em nhỏ đến trường,… Tất cả đều toát lên “Có một cái gì rất Thủ đô/Một cái gì rất Hà Nội”.

Giở đến “Một Hà Nội ngây ngất nắng/Một Hà Nội run run heo may” của Thái Thăng Long. Bài thơ có tên Yêu Hà Nội ấy được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành ca khúc nổi tiếng Mơ về nơi xa lắm. Còn đây là những câu thơ “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm/Có một Hà Nội ngây ngất nắng/Có một Hà Nội run run heo may/Có một Hà Nội hoa đào tươi hồng rạng rỡ/Có một Hà Nội ngàn năm dấu ngựa/Có một Hà Nội Bích Câu, Quốc Tử Giám… thiêng liêng”. Những năm 60 của thế kỷ trước, chàng trai gốc Hà Nội Thái Gia Trí khoác ba lô vào chiến trường Nam bộ. Và rồi những bài thơ đầu tiên của người lính đặc công ấy gửi về Hà Nội được ký bút danh Thái Thăng Long.

Còn đây, Hà Nội nơi bắt đầu tôi đi được viết năm 1982, là thời điểm nhà thơ đã neo đời sống lại mảnh đất phương Nam, vẫn trào lên nỗi nhớ. Nhớ Hà Nội của một thời “Sóng vỗ mãi bên sông Hồng thuở ấy/Bãi Giữa nhỏ nhoi bờ cát ngấn phù sa/Con chim sẻ mùa thu bay giữa trời xanh quá/Bờ đê ven sông xiêu xiêu những mái nhà”.

Riêng bài thơ dài Hà Nội – Thăng Long (trích từ trường ca cùng tên của Nguyễn Hương Trâm) mỗi lần mở sổ tay đọc lại, tôi cứ bần thần. Bởi không biết Nguyễn Hương Trâm là ai? Đọc thơ có thể hình dung đó là một chàng trai Hà thành trở về từ chiến trường khốc liệt, đã thốt lên “Hà Nội ơi: Ta yêu Người/Trong cái vẻ uy nghi trầm mặc/Trong màu xanh nước trời/Trong nét buồn thiếu nữ/Trong tiếng trẻ đùa vui”.

Những trang thơ chép tay cất giữ một Hà Nội của tôi.

Tôi cố tìm kiếm thông tin xem nhà thơ Nguyễn Hương Trâm giờ ra sao, đang ở đâu. Thì chỉ đọc được một thông tin trên báo mạng. Kể rằng năm 1978, nữ đạo diễn Đức Hoàn (người đóng vai Mỵ trong phim Vợ chồng A Phủ) khi làm bộ phim truyện Hà Nội mùa chim làm tổ đã nhờ nhạc sĩ Hồng Đăng viết bài hát cho phim. Phim quay gần xong mà nhạc sĩ vẫn “bí” ý tưởng, duyên may được người bạn là nhà thơ Nguyễn Hương Trâm gợi ý viết về hoa sữa - một loài hoa có mùi thơm dịu lạ ở giữa thủ đô nhưng khi ấy còn chưa mấy người biết, ngay cả nhạc sĩ Hồng Đăng nghe nhắc đến cũng “ngơ ngác”. Để rồi khi ca khúc Hoa sữa ra đời đã trở thành một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội, và loài hoa sữa từ đó cũng trở nên “hot”, khắp nơi đua nhau trồng… Để thấy sự tinh tế “rất Hà Nội” của nhà thơ Nguyễn Hương Trâm: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em/Có lẽ nào em lại xa anh”.

Và đây nữa, bài Chiều chuyển gió của Lưu Quang Vũ, viết năm 1977. Một bài thơ của tình yêu đôi lứa, thấp thoáng trên khung cảnh một Hà Nội như trong những bài thơ Nhà chật, Vườn trong phố nổi tiếng trước đó. “Chân bước vội em về từ phố rộng/Mang mùa hè xanh biếc trên vai”. Sự diệu kỳ của tình yêu: “Vừa bí ẩn vừa rõ ràng đến thế/Không cho ai được sống nửa vời…/Có em, anh bắt đầu tất cả/Bắt đầu con đường, bắt đầu nhịp thở/Mùa hạ đầu tiên, ngọn gió đầu tiên”.

Trong cuốn sổ tay học trò, một trong những tác giả tôi chép thơ nhiều nhất, tới 5,6 bài là Chử Văn Long, dù thời ấy còn chưa biết ông là ai. Những câu thơ gây thương nhớ: “Có cả cuộc đời rồi bỗng nhớ/Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi” (Tiếng trống trường), “Rồi sẽ đến một ngày lặng lẽ/Bàn chân ta thôi đặt bước lên đường” (Cỏ may), “Con người đến rồi xa vĩnh viễn/Chỉ nhớ thương ở lại với muôn đời” (Tôi trở về nơi mình đã ra đi).

Mới đây, tình cờ tôi được Chử Văn Long kết bạn trên Facebook, mới hay ông nay đã ngoài 80 tuổi, và quê ông ở Thanh Trì ngoại thành Hà Nội, nơi tôi từng có những ngày tháng đầy kỷ niệm khi về đây sơ tán bom Mỹ. Nên mới có những câu thơ lạ và thân thương về Hà Nội thế này: “Người gánh rơm đi vào thành phố/Bó rơm to che khuất hết người…/Người gánh rơm đi vào thành phố/Bán cho ai trộn vữa trát trần/Hay là để nhắc lòng ta nhớ/Bao nắng sương hạt gạo mình ăn” (Người gánh rơm đi vào thành phố).

Xin cất mãi vào những trang chữ nhòe mực thuở học trò này, một Hà Nội của tôi…

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.