Multimedia Đọc Báo in

Nhổ tóc sâu cho mẹ

11:01, 26/10/2023

Trưa nay nắng hanh hao đến lạ. Sau khi dỗ con ngủ tôi chợt nghe thấy tiếng gà mái xao xác đâu đó vọng vào. Thứ âm thanh đó khiến lòng tôi chùng xuống, để mặc cho cảm xúc dẫn dụ mình trở lại mảnh vườn xưa.

Trong ký ức của tôi, góc vườn ấy buổi trưa nào cũng có tiếng gà nhảy ổ làm náo loạn. Những lúc ấy, tôi thường nhảy chân sáo ra vườn rình nhặt trứng, miệng đọc vang bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh: “Tiếng gà trưa/ Ổ rơm hồng những trứng/ Này con gà mái mơ/ Khắp mình hoa đốm trắng/ Này con gà mái vàng/ Lông óng như màu nắng…”. Con chó nhỏ chạy theo chân, gặp chú gà nào cũng trêu cho chạy tán loạn. Sau khi xong xuôi công việc, mẹ tôi thường mang chiếc ghế gỗ ra ngồi ngoài hè, tự soi gương bới tìm những sợi tóc sâu. Nắng hắt lên mái tóc bám đầy bụi tro của mẹ, đôi khi ánh màu lấp lánh. Mẹ hay nhờ tôi nhổ tóc sâu nhưng đầu óc một đứa bé lên mười chỉ để ngoài tổ chim sâu, mấy quả ổi chín trên ngọn cây hay lời í ới gọi mời của lũ bạn chăn trâu cắt cỏ. Nên có khi tôi vội chạy ù đi hoặc vừa nhổ tóc cho mẹ vừa phụng phịu. Bố cười bảo: “Ngày xưa mẹ mong mãi đẻ được đứa con gái để sau này nhổ tóc cho mẹ đấy”. Những sợi tóc sâu của mẹ quăn tít lại. Chúng ẩn mình đâu đó mà chỉ khẽ chạm vào cũng khiến mẹ ngứa ngáy vô cùng. Cũng có khi là những chiếc tóc gây đau đầu nên mỗi lần nghe tiếng chân tóc được nhổ lên là mẹ bảo “nhẹ cả người”.

Rồi chúng tôi lớn lên qua những mùa nhọc nhằn trên vai áo mẹ. Xa nhà, xuống phố có những trưa thấy nhớ tiếng gà nhảy ổ. Nhớ đàn chim sâu lích chích luồn lách trong tán cây xanh mát. Đã từng vì nhớ mái tóc đầy bụi tro của mẹ mà xách ba lô về nhà. Nhưng có lần về đến cổng thấy mẹ đang đứng phơi quần áo, tóc cắt ngắn buộc lại chỉ còn một túm. Mẹ cười bảo: “Tại lần nào đi chợ cũng có người mua tóc níu lại. Mẹ cắt bán rồi”. Tiền bán tóc mẹ mua thêm một đàn gà giống. Ngắm đàn gà vàng ươm chiêm chiếp chạy ngoài sân tôi chợt ngậm ngùi.

Minh họa: Trà My

Có phải khi chúng ta trưởng thành thì tha thiết sự trở về hơn là ra đi? Sẽ không còn đau đáu thế giới ngoài kia bằng những điều thân thuộc. Nên thèm những bữa cơm gia đình với dưa cà mắm muối. Thèm những buổi trưa yên ắng tưởng như có thể nghe thấy tiếng rơi của từng cánh hoa xoài. Buổi trưa thèm rủ mẹ ra hiên nhổ tóc sâu. Hai mái đầu chụm vào nhau như dòng chảy thời gian hiện trên đuôi tóc. Có một câu hỏi thỉnh thoảng tôi bắt gặp đâu đó trên mạng xã hội: Đời này, chúng ta còn được gặp cha mẹ bao nhiêu lần? Người ta cũng hay hỏi nhau làm thế nào để sống chậm hơn? Với tôi sống chậm đơn giản là sự trở về. Trở về với cái tôi, với hiện tại, với ký ức và với chính nơi còn cha mẹ mình đang ngóng đợi. Bởi chúng ta còn thời gian nhưng bố mẹ thì không. Lúc chúng ta lớn lên bươn chải với đời để trưởng thành thì bố mẹ đã lặng lẽ già đi ở một góc quê nhà. Sẽ đến một lúc nào đó ta nghiệm ra rằng: “Những buổi sáng thức dậy ở nhà mẹ ít dần đi trong đời/ Điều thân thuộc rồi sẽ thành điều ước/ Những âm thanh thường nhật rồi sẽ chỉ vang trong ký ức/ Mẹ ở đây rồi cũng hóa mây trời…”.

Bây giờ trên mái đầu mẹ tóc sâu ít đi, sợi bạc nhiều hơn. Mẹ vẫn giữ thói quen ra hiên ngày nắng ngồi soi gương nhổ tóc. Mẹ không còn nhờ con gái nữa vì thương tôi bận bịu chăm con nhỏ. Nhưng lần nào về nhà tôi cũng bỏ công việc sang một bên ngồi với mẹ cả buổi trưa vừa nhổ tóc vừa hàn huyên đủ chuyện. Đó chính là quãng thời gian ngắn ngủi tôi được sống chậm bên người thân của mình. Để tận hưởng sự lan tỏa của tình yêu thương. Để thấy mình còn may mắn so với biết bao người ở ngoài kia không còn bố mẹ mà thương. Đến một lúc nào đó, khi phải cài lên ngực mình bông hoa hồng trắng, tôi không muốn trong lòng phải ân hận quá nhiều.

Vũ Thị Huyền Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.